Theo đó, bên cạnh các tình huống và cấp độ về dịch bệnh Covid-19, ngành Công Thương Quảng Bình cũng đề cập đến phương án đảm bảo nhu yếu phẩm trong các trường hợp cụ thể.
Các siêu thị ở Quảng Bình đủ nguồn hàng cho phòng chống dịch |
Tình huống 1: Dự báo ở cấp độ 1 hoặc cấp độ 2, có trường hợp bệnh xâm nhập và có thể lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh. Số lượng cách ly 1.229 người, trong đó 229 người cách ly tại các cơ sở y tế tập trung và 1.000 người cách ly tại nhà và các cơ sở lưu trú khác trong 14 ngày. Hoạt động sản xuất và mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường ở những khu vực không cách ly, xuất hiện tượng mua tích trữ hàng hóa.
Tình huống 2: Dự báo ở cấp độ 3, dịch bệnh có xu hướng lây nhiễm rộng trên địa bàn. Số lượng cách ly 3.000 người, trong đó 1.300 người cách ly tại các cơ sở y tế tập trung và 1.700 người cách ly tại nhà và các cơ sở lưu trú khác trong 14 ngày. Hoạt động sản xuất bắt đầu có dấu hiệu bị đình trệ, lưu thông cung ứng hàng hóa cho thị trường chậm, dự báo nhu cầu mua hàng dự trữ của người dân tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Tình huống 3: Dự báo ở cấp độ 4, dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Số lượng cách ly 8.000 người, trong đó 3.000 người cách ly tại các cơ sở y tế tập trung (bao gồm cả bệnh viện giả chiến) và 5.000 người cách ly tại nhà và các cơ sở lưu trú khác trong 14 ngày. Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi, chợ...) phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà. Dự báo nhu cầu mua dự trữ của người dân tăng khoảng 35% đến 50% so với ngày thường.
Theo Sở Công thương Quảng Bình, hiện các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, rau xanh, thịt, cá, đường, sữa… cũng được các đơn vị tính toán và dự trữ hàng hóa sẵn sàng cung ứng cho nhân dân.
Hàng hóa thiết yếu luôn đầy đủ trên các kệ hàng phục vụ nhân dân |
Về mặt hàng lương thực, theo tính toán, tổng nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân toàn tỉnh khoảng 16.000 tấn/tháng (mức tiêu thụ bình quân cá nhân 0,6kg/người/ngày). Khả năng cung ứng mặt hàng gạo tự cung tự cấp toàn tỉnh ước khoảng 15.000 tấn/tháng. Lượng gạo hiện có tại các cơ sở phân phối trên địa bàn khoảng 2.000 tấn (chủ yếu tập trung tại các siêu thị, hệ thống Vinmart, các cửa hàng lương thực, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các chợ…). Khi cần thiết, các cơ sở phân phối có thể huy động trên 10.000 tấn gạo.
Nhu cầu thực phẩm tươi sống bình quân toàn tỉnh khoảng 1.300 tấn/tháng, sản lượng sản xuất trong tỉnh 14.000 tấn/tháng (6.500 tấn thịt gia súc, 1.200 tấn gia cầm, 6.300 tấn thủy sản). Các mặt hàng rau xanh, tổng nhu cầu tiêu thụ rau bình quân khoảng 8.500 tấn/tháng (tương đương khoảng 0,3kg/tháng/người). Sản lượng sản xuất tự cung, tự cấp trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng khoảng 7.000 tấn/tháng. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, siêu thị, chợ trên địa bàn cung cấp để đáp ứng nhu cầu khoảng 5.000 tấn/tháng. Khi cần thiết có thể cung ứng hàng hóa theo các kênh phân phối để đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến tiêu dùng như đường, sữa, nước mắm, bột canh, mỳ chính; mì tôm, lương khô; dầu ăn; muối I ốt) hiện địa phương đã dự trữ đủ số hàng để cung ứng cho nhân dân (khoảng 3.000 tấn/tháng).
Về đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly, sẽ xác định kịch bản và lượng hàng hóa phục vụ cho các khu vực bị cách ly theo các cấp độ. Dự kiến, định mức nhu yếu phẩm cho 1 người trong 14 ngày gồm: Gạo 8,4kg, thịt lợn 0,63kg, thịt gia cầm (gà) 0,7kg, trứng gia cầm 7 quả, thủy hải sản 0,728kg, rau củ 4,48kg, mỳ tôm 28 gói, gia vị (muối ăn, bột canh) 0,07kg, dầu ăn 0,42 lít, nước đóng chai 28 lít, khẩu trang kháng khuẩn 3 chiếc, nước sát khuẩn 100ml, giấy vệ sinh 1 cuộn. Giá trị hàng hoá dự trữ ứng phó theo các tình huống với dịch Covid-19 cụ thể như sau: Tình huống 1 gần 1.800 tỷ đồng; Tình huống 2 hơn 4.300 tỷ đồng; Tình huống 3 là 11.500 tỷ đồng.
Về công tác điều phối nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp và sẽ huy động khoảng 31 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung ứng hàng hoá thiết yếu cho nhân dân. Các doanh nghiệp chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho trung tâm đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân. Trường hợp các doanh nghiệp trên địa bàn không cung ứng đủ lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm thì kịp thời tham mưu, đề xuất phương án điều động, chi viện, hỗ trợ từ nơi khác để phục vụ ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, không để thiếu hụt nguồn cung, khan hàng sốt giá gây bất ổn thị trường.
Các doanh nghiệp cũng đã tích cực đưa hàng hóa về nông thôn phục vụ cho người dân trước dịch Covid-19 |
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) cũng đã chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ông Lý Minh Đăng – Giám đốc Co.op Mart Quảng Bình - cho biết, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cách ly toàn xã hội bắt đầu từ ngày 1/4, từ trưa ngày 31/3 người dân cũng đã bắt đầu đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu, dự đoán từ nay đến mai người dân sẽ tiếp tục mua nhiều hơn. Hiện đơn vị đã dự trữ hàng hóa tăng hơn gấp 1,5 lần so với bình thường và tiếp tục điều động thêm hàng để phục vụ sức mua của nhân dân.
“Theo dự báo, người dân sẽ tập trung đi mua các hàng hóa thiết yếu trong 2 đến 3 ngày tới và sau đó sẽ giảm vì Quảng Bình là tỉnh chưa có ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 nên Co.op Mart Quảng Bình không dự trữ nhiều, mà sẽ thường xuyên nhập hàng để phục vụ cho người dân”, ông Đăng cho biết thêm.