Quảng Bình: Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng chuỗi liên kết
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu
Tại Quảng Bình, Đề án OCOP đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn, từ đó nâng chất lượng đời sống nông dân. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 05 sản phẩm OCOP 4 sao và 89 sản phẩm OCOP 3 sao; có 63 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 14 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã và 11 hộ kinh doanh cá thể.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hình thành một số vùng nguyên liệu về nông sản, dược liệu phù hợp gắn với phát triển sản phẩm OCOP như: Vùng nguyên liệu về cà gai leo, tinh dầu sả, nấm tại huyện Bố Trạch; vùng nguyên liệu nông sản ớt, tiêu tại huyện Lệ Thủy, tỏi sạch tại thị xã Ba Đồn. Đặc biệt, đối với tỉnh, trong 06 nhóm sản phẩm OCOP thì ưu tiên phát triển 02 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm và nhóm dược liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm…
Chị Nguyễn Thị Xuân- Chủ HTX sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng có các sản phẩm đạt OCOP 4 sao |
Mặc dù các sản phẩm OCOP được công nhận với chủng loại hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng nhưng vẫn thiếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.Ngoài ra, theo đánh giá của giới chuyên môn, các sản phẩm có nguồn gốc, lợi thế địa phương của Quảng Bình còn hạn chế về bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiềm năng và thế mạnh có sẵn, nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Bình khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều kế hoạch cho phát triển sản phẩm OCOP
Ông Mai Xuân Hạp- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 sản phẩm, trong đó phấn đấu có 1-3 sản phẩm đạt 5 sao, 3-5 sản phẩm 4 sao, 45-50 sản phẩm 3 sao; toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện…
Theo ông Mai Xuân Hạp, để đạt được mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường; triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chu trình OCOP thường niên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các dự án thành phần trong chương trình OCOP.
Nhờ đạt sản phẩm OCOP, liên kết cùng hoạt động du lịch, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nâng cao sản lượng tiêu thụ, doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất. Chị Nguyễn Thị Xuân- Giám đốc HTX sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu Xuân Hưng có các sản phẩm đạt OCOP 4 sao (thôn 3 xã Mỹ Trạch, Bố Trạch) cho hay, hiện cơ sở có 15 lao động thường xuyên thời vụ 35 người địa phương với thu nhập mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng. Sản phẩm đặc trưng của HTX là rượu sim được sản xuất mô hình khép kính, mô hình chuỗi liên kết, nguồn nguyên liệu là sim có sẵn trên địa bàn theo tiêu chuẩn Vietgap.
"Nhờ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công Thương Quảng Bình, Liên minh Hợp tác xã triển khai nên sản phẩm của chúng tôi đã được các nhà phân phối để ý, tin tưởng lựa chọn làm kênh phân phối tiêu thụ. Chủ yếu ở các tỉnh Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội, Gia Lai lựa chọn" - Chị Xuân nói và cho biết, hiện phải tăng ca để đáp ứng nguồn cung.
"Cơ sở đang nghiên cứu đưa sản phẩm mật ong tỏi lên men và các loại mứt hoa quả và rau củ ra thị trường khi khách hàng đặc biệt yêu thích các sản phẩm này. Đáng chú ý là có cả thị trường nước ngoài đặt mua sản phẩm, khi lượng mứt cho thị trường Tết 2023 vừa qua được kiều bào đặt mua rất đông" - chị Xuân cho biết.
Giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với địa điểm du lịch địa phương |
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn mới.
Tỉnh Quảng Bình xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP gắn với các ngành nghề, dịch vụ có lợi thế, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chủ thể OCOP là hợp tác xã và các doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân.
Các địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm OCOP, mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở từng địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bố trí thêm ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP.