Bố Trạch- Quảng Bình: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Quảng Bình: Lên phương án hỗ trợ xóa hơn 3.600 nhà tạm, nhà dột nát |
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, tình hình sản xuất công nghiệp quý III và 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng 8,7% và 9 tháng đầu năm tăng 7,7 %; giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành sản xuất chế biến thực phẩm; đồ uống; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành sản xuất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng/2024, tăng 11,5%.
Tuy nhiên, theo ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó một số ngành ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm mạnh (chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản xuất xi măng và clinke...). Nhiều dự án công nghiệp lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024 nhưng hiện nay bị chậm tiến độ (Nhà máy may công nghiệp QT Quảng Bình; dự án thủy điện La Trọng; may Tun Power mở rộng; viên nén năng lượng Công ty TNHH Phát triển nguồn lực Dohwa…) nên chưa thể đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp”.
Ông Hồ Nhật Bình - Trưởng Phòng Công nghiệp - Sở Công Thương Quảng Bình cho hay: "Tiểu thủ công nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng quy mô còn nhỏ, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, sản xuất hàng lưu niệm chưa phát triển. Một số ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động hiện nay đang phục hồi và mở rộng sản xuất nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động nhất là các công ty, cơ sở sản xuất trang phục, sản xuất gỗ ván ép".
Khó khăn về nguồn lao động trong các xí nghiệp may cũng đang là rào cản cho việc phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Thành Long). |
Được biết, hiện tại sản xuất trang phục nhu cầu cần tuyển dụng 1.600 lao động; cụ thể Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng có 1.025 lao động, đang có nhu cầu tuyển 500 lao động; Nhà máy May Lệ Thuỷ có 652 lao động, đang có nhu cầu tuyển 200 lao động, Công ty TNHH S&D Quảng Bình có 940 lao động, đang có nhu cầu tuyển 500 lao động; Công ty CP may Đại Thành có 500 lao động, đang có nhu cầu tuyển 300 lao động; Công ty TNHH may Tiến Hùng có 250 lao động, đang có nhu cầu tuyển 100 lao động.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: ảnh hưởng suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng giảm và chưa được phục hồi, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn; Năng lực mới tăng thêm trong sản xuất công nghiệp ít, chủ yếu dự án có quy mô nhỏ. Một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp có quy mô lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024 nhưng hiện nay chậm tiến độ.
Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc đặc biệt các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư.
“Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trình độ công nghệ chậm được đầu tư đổi mới, chất lượng, số lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các thị trường lớn, sức cạnh tranh yếu. Chủ thể tham gia trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu còn ít, năng lực hạn chế, chủng loại hàng hóa xuất khẩu thiếu đa dạng, hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế chưa qua chế biến tinh nên giá trị xuất khẩu không cao, sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường yếu”- ông Phan Hoài Nam cho hay.
Theo ông Phan Hoài Nam, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương Quảng Bình đề ra các giải pháp chủ yếu để tập trung chỉ đạo, thực hiện trong các tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư (các nhà máy xi măng, bia, may xuất khẩu, chế biến gỗ, gỗ ván ép, viên nén năng lượng, kính cường lực...).
Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện để đưa vào hoạt động trong năm 2024: Giai đoạn 1 dây chuyền nghiền xi măng Văn Hoá của Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam; các dự án viên nén năng lượng (Trung Chính, VINAFOR); may xuất khẩu (May QT Quảng Bình, may Tun Power mở rộng). Tiếp tục xúc tiến đưa vào hoạt động các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư. Duy trì vận hành phát điện ổn định các nhà máy: Điện gió B&T, Thuỷ điện Hố Hô, Điện mặt trời Dohwa Lệ Thuỷ, kết hợp duy trì cấp nguồn từ các nguồn điện khác như điện mặt trời mái nhà, thu hồi nhiệt của các nhà máy sản xuất xi măng; xúc tiến triển khai các dự án lớn về công nghiệp trên địa bàn.