Quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Nam Phi: Nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nam Phi của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Johannesburg tổ chức Tọa đàm “Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi”.
Khoảng 200 đại biểu hai nước tham dự Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi |
Tọa đàm đã thu hút hơn 200 khách tham dự, trong đó có đại diện của 135 doanh nghiệp của hai nước, thuộc các lĩnh vực: năng lượng điện, khoáng sản, dệt may, kinh doanh xăng dầu, logistics, nông sản, trái cây, hạt điều, hóa chất, nhựa, ngân hàng…
Việt Nam và Nam Phi có quan hệ hữu nghị từ lâu, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Từ đó tới nay, Nam Phi luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,1 USD và hai nước đang phấn đấu đạt kim ngạch 2 tỷ USD trong 5 năm tới.
Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thông tin cho các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thành tựu về XNK, thu hút đầu tư, tình hình hội nhập, đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các cơ hội kinh doanh đang đặt ra cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nam Phi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi trong 25 năm qua. Trong 10 năm từ 2008 -2018, kim ngạch của 2 nước tăng gấp 5 lần, thường xuyên đạt 1 tỷ USD, năm 2019 dự kiến đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, con số này còn khiêm tốn so với tổng giá trị trao đổi thương mại của mỗi nước, còn rất thấp so với con số kim ngạch xuất khẩu 530 tỷ USD của Việt Nam ra thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi tại Sandton, Johannesburg |
Phó Thủ tướng đề nghị phía Nam Phi tạo điều kiện thuận lợi để đưa các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng của Việt Nam vào các chuỗi siêu thị đa quốc gia như Makro, Metro, Woolworth và hệ thống siêu thị nội địa của Nam Phi như Spar, Shoprite, Checkers… Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác với Nam Phi, đặc biệt là về kinh tế, đưa mối quan hệ này lên một tầm cao mới, tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp vốn có giữa hai nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nam Phi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ... Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ Việt Nam sẽ cùng với Chính phủ Nam Phi thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và xem xét việc mở các chi nhánh ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Nam Phi, để hỗ trợ thanh toán các giao dịch xuất nhập khẩu và các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Tiềm năng phát triển còn rất lớn
Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Nam Phi được tổ chức là một sự kiện quan trọng, tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan hữu quan của Chính phủ hai nước, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi, tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của mỗi nước, về môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những tiềm năng hợp tác phong phú giữa hai nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An, các mặt hàng hiện đang được trao đổi giữa hai nước khá đa dạng và có tính bổ khuyết cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, gạo, thủy sản… Nam Phi xuất khẩu sang Việt Nam rau quả, rượu vang, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, đồng, than đá, quặng và khoáng sản khác, v.v… Về đầu tư, hiện Nam Phi bước đẩu có 11 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,33 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nêu lên những yếu tố chứng minh cho mối quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Nam Phi còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ |
Mặc dù trong 10 năm vừa qua, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước tăng trưởng liên tục, liên tục giữ ở mức trên 1 tỷ USD trong những năm gần đây, đưa Nam Phi trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, nhưng Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, trên thực tế, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Nam Phi còn rất nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển mạnh mẽ.
Đó là hai nước đều là các quốc gia có qui mô nền kinh tế đang tăng nhanh, có thị trường nội địa rộng lớn, dân số đông…, sức mua hàng hoá đang tăng nhanh cùng với sự phát triển nhanh của qui mô nền kinh tế là những cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng nội địa của mỗi nước. Từ đó tạo động lực cho sản xuất, thương mại, du lịch.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Nam Phi là 2 quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng, có thể làm cầu nối cho các thị trường to lớn của các Cộng đồng kinh tế và các khối thương mại tự do. Hai nước cùng là thành viên của WTO. Việt Nam là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đã ký kết 13 hiệp định FTAs, trong đó 12 FTAs đã có hiệu lực, 3 FTAs đang thúc đẩy đàm phán, ký kết. Nam Phi là thành viên quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Châu Phi (AfCFTA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU). Như vậy, cơ hội để tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước là rất lớn. Đồng thời, chính sách nhất quán tiếp tục mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam phù hợp với tiềm lực và khả năng của các doanh nghiệp Nam Phi. Và Chính phủ hai nước đều đang theo đuổi mục tiêu giống nhau là tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, nền kinh tế hai nước có thể bổ khuyết cho nhau rất tốt. Từ trước đến nay, Việt Nam được biết đến là cường quốc về các sản phẩm nông nghiệp. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam cũng là những mặt hàng mà thị trường Nam Phi có nhu cầu lớn. Mặt khác, Nam Phi có nhiều mặt hàng mà Việt Nam muốn tăng cường nhập khẩu như sản phẩm hóa chất, chất dẻo, đồng, quặng, khoáng sản, than đá để làm nguyên liệu đầu vào và nhiên liệu cho ngành năng lượng. Ngoài ra, Nam Phi cũng nổi tiếng với các sản phẩm rượu vang, ngày càng được người tiêu dùng Việt Nam biết đến.
Với những yếu tố như trên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị các cơ quan chức năng hai nước tích cực thúc đẩy hơn nữa các cơ chế hợp tác đã có; tích cực hơn nữa trong việc tổ chức các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung - cầu, tham gia thường xuyên và đông đảo hơn nữa trong các hội chợ, triển lãm hàng hoá ở cả hai quốc gia.
Cơ hội trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, mặt hàng
Chia sẻ về chính sách thu hút đầu tư, phát triển thương mại của Nam Phi, Thứ trưởng Bộ Quan hệ địa phương và các vấn đề truyền thống Nam Phi Obeb Bapela cho biết: thời gian gần đây, Chính phủ Nam Phi đang thúc đẩy cải cách hành chính, đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài giai đoạn 2018-2023, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời khẳng định: “Chúng tôi cho rằng nếu Chính phủ hai bên có các thỏa thuận thì sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư chất lượng hơn”,
Ông Bapela cho hay, Nam Phi sẽ ưu tiên cải cách chính sách thị thực để có nhiều du khách Việt Nam du lịch tại Nam Phi. Bên cạnh đó, hai Bên có thể tăng cường trao đổi các sản phẩm nông nghiệp, trái cây. Việt Nam cũng có thể xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản, trái cây... sang Nam Phi. Trong khi đó, Nam Phi muốn đẩy mạnh xuất khẩu rượu vang và giới thiệu trái bơ của Nam Phi sang thị trường Việt Nam.
Liên quan đến cơ hội hợp trong lĩnh vực công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Thabo Mokoena đã nhấn mạnh các cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia trong lĩnh vực khai thác than và năng lượng khi Nam Phi là quốc gia có trữ lượng than hàng đầu thế giới.
Một số vấn đề cụ thể được các doanh nghiệp hai nước quan tâm đã được lãnh đạo các bộ- ngành của hai nước giải đáp, bao gồm: thủ tục đầu tư của mỗi nước; chính sách ưu đãi đầu tư, bảo hộ đầu tư; chính sách và quy định pháp luật của Nam Phi về sở hữu mỏ và khai thác mỏ than, mỏ khoáng sản; việc mở ngân hàng, chi nhánh ngân hàng tại Nam Phi; đầu tư mua trang trại để làm nông nghiệp tại Nam Phi; tình hình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp như thịt bò, thịt lợn, nho, trái bơ; quy định và thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; vấn đề visa; hợp tác du lịch; thông tin về chính sách và tình hình sản xuất điện, nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam…
Hoạt động tiếp xúc B-2-B ngay tại Tọa đàm |
Phiên thảo luận trực tiếp giữa các doanh nghiệp (B2B) cũng được doanh nghiệp hai nước quan tâm, dành nhiều thời gian để trao đổi thông tin liên hệ, tìm hiểu năng lực sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhu cầu hợp tác kinh doanh thương mại, đầu tư và kế hoạch hợp tác cụ thể giữa hai Bên trong thời gian tới.
Thúc đẩy sớm ký Bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản
Bên lề của Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Nam Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Thabo Mokoena. Tại buổi làm việc, hai Thứ trưởng đã trao đổi về việc hoàn thiện khung pháp lý về hợp tác khoáng sản giữa hai nước, một số chính sách, quy định pháp lý của mỗi nước về phát triển ngành khoáng sản và thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tiếp xúc song phương với Thứ trưởng Bộ Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Thabo Mokoena bên lề Tọa đàm |
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã thông báo cho phía Nam Phi biết nhu cầu nhập khẩu than phục vụ các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời đề nghị phía Nam Phi làm rõ các quy định liên quan tới việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam mua mỏ than tại Nam Phi và kinh doanh khai thác, xuất khẩu than. Hai Bên cũng đã trao đổi các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo. Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị phía Nam Phi sớm hoàn tất các thủ tục nội bộ để hai Bên có thể ký Bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản. Phía Nam Phi thông báo về cơ bản đã hoàn tất các thủ tục nội bộ và đề nghị hai Bên trao đổi, thống nhất các thủ tục, thời điểm ký kết. Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng đã đề nghị hai Bên phối hợp để tổ chức một Diễn đàn hợp tác năng lượng nhân dịp Lãnh đạo Bộ hai nước ký MOU hợp tác khoáng sản trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của hai nước có nhu cầu hợp tác.