Quả vải hôm nay và hạt gạo trong bài thơ của thi sĩ nhí đồng quê lúc bấy giờ, đều như nói lên sức sống mãnh liệt của Việt Nam. Lùi ngược thời gian hơn nửa thế kỷ trước, những câu thơ 4 chữ của “Hạt gạo làng ta” mang dáng dấp của một khúc đồng dao thanh mát ngân nga giữa trưa hè oi ả, giữa cái khốc liệt khôn cùng thời chiến: “Hạt gạo làng ta/Có bão tháng bảy/Có mưa tháng ba/Giọt mồ hôi sa/Những trưa tháng sáu”. Và nữa “Hạt gạo làng ta/Những năm bom Mỹ/Trút trên mái nhà…/Những năm băng đạn/Vàng như lúa đồng”.
Đọng lại giờ đây là vĩ thanh về những ước vọng của một nền sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp mà quả vải là một biểu tượng thực sự sinh động. Bây giờ sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp luôn đối mặt với những thử thách không chỉ đến từ thời tiết như thời chiến mà còn đến cả từ thị trường. Hái quả “thị trường” bây giờ thực sự không hề dễ dàng dẫu không ai muốn những quả vải kết tinh bao nắng sương của người nông dân mãi mang hình hài “giải cứu”.
Ảnh: Cấn Dũng |
Còn nhớ tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang trong nhưng ngày đầu tháng 6 này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những chia sẻ rất sâu sắc, tâm huyết của ông về nông sản Việt Nam. Bộ trưởng cho biết, một ước vọng lớn của ông là không chỉ những quả vải mà cả những trái cây chính vụ Việt Nam thơm ngon không cần bảo quản đến được với người tiêu dùng bốn phương một cách sớm nhất, nhanh chóng nhất. Bộ trưởng cũng kêu gọi các cấp ở các địa phương dành sự phối hợp cả về mặt lãnh đạo lẫn kỹ thuật để trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung được thông thương thuận lợi nhất.
Trong gian khó của đại dịch Covid-19 mà năm nay với cấp độ gay gắt hơn, những quả vải Bắc Giang, Hải Dương vẫn cần mẫn vươn ra thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài.
Không vui sao được những ngày này, quả vải Việt Nam được hồ hởi đón nhận tại các siêu thị ở Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Úc bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc. Cũng không vui sao được khi quả vải năm nay dẫu đó đây vẫn còn nhưng hình ảnh biểu tượng của một “vụ mùa giải cứu” đã không còn làm se lòng thị trường.
Chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với vai trò là tư lệnh ngành Công Thương mới đây cho thấy, từ rất sớm, Bộ đã xắn tay cùng địa phương lo đường xa, tính kế dài cho những nông sản nói chung và quả vải nói riêng. Những kịch bản tiêu thụ qua các kênh truyền thống, kênh hiện đại đều được đưa ra ở những cấp độ khả thi. Và cũng không chỉ có vậy, trong những ngày rộ vụ, những giải pháp tiêu thụ quyết liệt mà năm nay thị trường trong nước đóng vai trò chủ công, bệ đỡ chính cũng được đưa ra, để tạo cho được những “luồng xanh” từ nội địa đến cửa khẩu và xa hơn nữa.
Khúc đồng dao “Hạt gạo làng ta” năm xưa có những hình ảnh đẹp sao: “Hạt gạo làng ta/Gửi ra tiền tuyến/ Gửi về phương xa”. Quả vải Việt Nam giờ đây hoàn toàn có thể được gắn những hình ảnh như thế. Có điều “tiền tuyến” giờ đây, “phương xa” giờ đây đã mang những hình hài, những sắc diện của thị trường mới, những kênh tiêu thụ mới. Nhưng trái vải đỏ, hạt gạo vàng không chỉ vẫn nguyên vẹn sức sống mà còn minh chứng cho quyết tâm của cả nền kinh tế, cả một đất nước trong bất cứ một bối cảnh nào vẫn trụ vững, hiên ngang bằng chính sức mạnh tự lực tự cường của mình. Đó là sức mạnh của trí tuệ, của kết nối, của sự chung tay đầy trách nhiệm.
Quả vải xưa nay vẫn mang cái tên lệ chi. “Lệ chi” như có người gọi đó là “nước mắt của cây”. Giờ đây quả vải không còn mang nỗi ám ảnh “nước mắt” về những bất trắc trước mặt. Những nỗ lực, chung tay đã và đưa quả vải thành hạt ngọc của cây cối, xa hơn là hạt ngọc của cả một nền nông nghiệp, của cả đất nước.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).