Quảng Nam: Ngành quế tận dụng các FTA thế hệ mới
Sáng 21/12, tại tỉnh Quảng Nam, Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành quế và kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA thế hệ mới.
Được biết, hiện nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga… Các FTA này cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế thúc đẩy hoạt động giao thương, kết nối doanh nghiệp, mang sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam chạm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành quế và kế hoạch cụ thể để tận dụng các FTA thế hệ mới |
Trong thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do này đã đóng góp tích cực cho kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Các doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt các ưu đãi trong FTA để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, cây quế Quảng Nam nổi danh với cái tên “cao sơn ngọc quế”, đây là một trong những cây trồng truyền thống và là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc từ nhiều năm nay. Với đặc điểm có mùi thơm, vị cay nồng đặc trưng, chứa hàm lượng tinh dầu cao nên quế Trà My được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên sau đó, do thị trường xuất khẩu bị ngưng trệ, chất lượng quế Trà My giảm sút nên thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần, người dân địa phương phải chặt bỏ nhiều diện tích quế để trồng các loại cây khác.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam |
Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích trồng quế toàn tỉnh đạt khoảng 12.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước…
Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến quế tập trung sản xuất hơn 50 sản phẩm từ quế: Tinh dầu quế, bột gia vị, nước rửa chén, nước lau sàn, sát khuẩn, xịt đa năng, xịt phòng, dầu xoa bóp, xà phòng quế, đèn mỹ nghệ quế, các loại tranh từ vỏ quế, túi thơm quế, quế kẹp, quế vỏ cạo, quế chi... Các sản phẩm từ quế được người tiêu dùng trong nước mà cả nước ngoài ưa chuộng như: Trung Quốc, Nhật Bản...
“Hầu hết các sản phẩm quế, vỏ quế đều được thu mua qua thương lái và xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc, chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài; diện tích trồng còn chưa tập trung; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, nghiên cứu phát triển chất lượng sản phẩm còn hạn chế; nguồn nguyên liệu sản xuất chưa có tính ổn định cao, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường xuất khẩu”, ông Hường Văn Minh nêu khó khăn và cho biết chương trình lần này sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành quế giúp cho doanh nghiệp của tỉnh tận dụng tốt hơn các FTA, trong đó tập trung vào tiêu chí, yêu cầu đối với việc xuất khẩu quế sang các thị trường có FTA.
Tại chương trình, các đại biểu sẽ cùng thảo luận và thống nhất kế hoạch xử lý vấn đề của ngành quế, điểm cần lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường FTA. Các chuyên gia về tín dụng, tài chính chia sẻ kênh tài chính, tín dụng khác cho doanh nghiệp xuất khẩu và cách thức để tiếp cận các nguồn tài chính này từ góc độ thay đổi nội tại của doanh nghiệp; xây dựng bộ hồ sơ tín dụng để đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn về tín dụng của nguồn vốn khác nhau.