Quảng Bình chú trọng truyền thông an toàn thực phẩm
Công an Quảng Bình bắt giữ thực phẩm bẩn. Ảnh minh họa |
Tại hội thảo “Hợp tác truyền thông về ATTP” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế tổ chức ngày 5/4/2018 ở Hà Nội.
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cơ quan truyền thông (truyền hình, phát thanh) trên địa bàn tỉnh đã phát sóng gần 2.300 tin, bài, phóng sự, bản tin phản ánh về ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên mục chuyển tải thông tin về ATTP trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân, mùa du lịch, tháng hành động ATTP, Tết Trung thu… Đưa tin kịp thời về các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm các đợt cao điểm kiểm soát ATTP. Hệ thống loa, đài truyền thanh ở xã, thị trấn thường xuyên thông tin về ATTP đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên các địa bàn.
Tính đến hết năm 2017, tỉnh Quảng Bình có tổng số 4.975 cơ sở thực phẩm, trong đó có 229 cơ sở sản xuất chế biến; 2.246 cơ sở kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; 2.500 cơ sở dịch vụ ăn uống. |
Để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về ATTP, các ngành chức năng Quảng Bình cũng đã chú trọng kết hợp các hình thức tuyên truyền khác như in ấn và cấp phát các loại băng đĩa, nhiều tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, dựng pano… tại các trục đường quan trọng, nơi tập trung đông dân cư. Trong năm 2017, hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, ngành giáo dục và đào tạo… đã tổ chức 2.830 buổi truyền thông trực tiếp theo hình thức hội thi, nói chuyện về ATTP thu hút 299.682 người tham dự. Các ngành y tế, công thương, nông nghiệp đã tổ chức 120 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho 5.657 đối tượng là người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng.
Nhờ chú trọng công tác truyền thông, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn đã từng bước được nâng cao. Qua kiểm tra năm 2017 gần 80% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt các điều kiện đảm bảo ATTP.
Tuy nhiên, công tác truyền thông về ATTP của Quảng Bình được cho là còn có những hạn chế nhất định bởi qui mô chưa rộng, nội dung chưa sâu, chưa hấp dẫn, hình thức chưa phong phú, công tác tuyên truyền mới chủ yếu là lồng ghép trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị nên hiệu quả chưa cao. Các ấn phẩm tuyên truyền mới chỉ phù hợp với một số nhóm đối tượng nhất định, chưa có ấn phẩm cho nhóm đối tượng có học vấn thấp, nhóm đối tượng là dân tộc thiểu số, ở vùng cao… Chưa phát huy được tối đa kênh truyền thông đại chúng tại cơ sở như hệ thống loa đài ở các địa phương, thôn bản. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ để tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vận động thực hiện về ATTP còn thiếu, phương tiện đi lại (xe ô tô) phục vụ truyền thông còn gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông về ATTP, tới đây tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện việc cung cấp thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; công khai các cơ sở vi phạm; hỗ trợ các đơn vị, đoàn thể tăng cường tổ chức các hội thi, các buổi tập huấn, nói chuyện truyền thông về ATTP; đẩy mạnh phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị, mặt trận tổ quốc trong công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh ATTP... để nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật, hiểu biết của người quản lý, người tiêu dùng và các đối tượng sản xuất, kinh doanh./.