PVN: Những dấu ấn về khoa học và công nghệ
Hoạt động KH&CN tại PVN được triển khai ở tất cả các lĩnh vực |
Thành tựu nổi bật của hoạt động KH&CN, ứng dụng, đổi mới công nghệ của PVN những năm qua được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý cho các công trình, cụm công trình. Trong đó, phải kể đến Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.
Đặc biệt, trong đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 vừa qua, thêm 3 công trình nghiên cứu KH&CN của PVN đã được vinh danh. Trong đó, cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” của TS. Từ Thành Nghĩa và 29 đồng tác giả Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là công trình được đánh giá đặc biệt xuất sắc, ghi nhận kết quả nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, xây dựng và áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới.
Cùng danh hiệu này còn có công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của kỹ sư Phan Tử Giang và 16 đồng tác giả Công ty CP chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard). Thông qua việc ứng dụng những thành quả KHCN, PV Shipyard đã góp phần chế tạo thành công giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03 trước thời hạn 2 tháng. Đồng thời giảm thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài cho các dự án tiếp theo (từ 13 chuyên gia khi thực hiện Dự án Tam Đảo 03 xuống còn 3 chuyên gia khi thực hiện Dự án Tam Đảo 05). Các kết quả nghiên cứu từ Dự án Tam Đảo 03 đã được áp dụng cho dDự án Tam Đảo 05 (có khối lượng, quy mô gấp 1,5 lần), giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa lên thêm khoảng 5% so với 34,6% của Tam Đảo 03.
Công trình “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam” của kỹ sư Trần Xuân Hoàng và 8 đồng tác giả của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã tạo những thay đổi mang tính đột phá trong việc nắm bắt, làm chủ công nghệ thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế bằng phương pháp tự phóng tại Việt Nam - một trong những vấn đề hóc búa của lĩnh vực thi công biển.
Có thể nói, bằng những thành tựu KH&CN, thực tế sản xuất cụ thể, các đề tài và cụm đề tài KH&CN của PVN đã có những đóng góp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo đất nước; tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ cùng phát triển, tạo ra rất nhiều việc làm mới, từ đó chủ động về kinh tế, công nghiệp để phát triển bền vững.
Hoạt động KH&CN tại PVN được triển khai ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí, với các chương trình nghiên cứu dài hạn, mang tính định hướng làm cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch KH&CN cho từng năm, bảo đảm và phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của PVN. |