Phía sau sự việc ngộ độc pate Minh Chay: Ai sở hữu sự thông thái?
Kinh dị đến từ món pate, món ăn vốn được ưa thích, là bởi nếu như các vụ ngộ độc thực phẩm vốn thường xảy ra ở các món ăn “mặn” đời thường thì nay lan cả sang lĩnh vực chay vốn được coi là sạch sẽ và thường là tốt cho sức khỏe (ít nhất trong quan niệm thông thường là như vậy).
Cũng tức là cái ranh giới “an toàn” nằm giữa “chay” và “mặn” đã bị xóa đi để cho thấy an toàn thực phẩm đã xuất hiện thêm nấc thang nguy hiểm mới.
Kinh dị bởi trong sản phẩm pate chay này lại xuất hiện loại độc tố botulinum, nguy hiểm hạng nhất chưa từng có ở các vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo trước đây. Đến độ các thầy thuốc trong nước phải bó tay, phải viện đến cả thuốc nằm trong kho dự trữ của nước ngoài và Tổ chức Y tế thế giới.
Kinh dị thêm nữa là hiện số nạn nhân chưa kiểm được đến người cuối cùng và nguy cơ phức tạp của vụ việc còn có thể đi xa hơn.
Và nếu có thêm cái kinh dị thứ tư nữa, đối với nhiều người tiêu dùng, là “hú vía” khi chưa dùng phải sản phẩm pate Minh Chay.
Món pate Minh Chay - nguồn cơn của sự việc ngộ độc |
Tuy vậy trong vụ ngộ độc thực phẩm ghê gớm này cũng có những điểm có thể tạm thời dung hòa được nỗi sợ của người tiêu dùng.
Một là Công ty Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới - đơn vị sở hữu thương hiệu Minh Chay đã tỏ ra hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc xử lý, khắc phục hậu quả từ sản phẩm mang thương hiệu của mình.
Hai là đa số các sản phẩm của công ty Lối sống mới được phân phối online, từ đó giúp cho các cơ quan chức năng nhanh chóng lần ra được các đầu mối người tiêu dùng, góp phần rút ngắn thời gian, công sức xử lý hậu quả, ngăn ngừa được nguy cơ.
Ba là công tác cảnh báo đã được tiến hành tuy nơi này nơi khác có thể nhanh chậm, cũng góp phần thu hẹp phạm vi ngộ độc thực phẩm.
Trong lúc chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng, có cả cơ quan công an, hai câu hỏi nổi lên lúc này là doanh nghiệp làm ăn thế nào mà để thế và, trách nhiệm của cơ quan chức năng cấp phép.
Liên quan đến câu hỏi quy trình sản xuất của doanh nghiệp, người đứng đầu cơ sở sản xuất này cho biết, Quá trình sản xuất sử dụng máy hấp tiệt trùng 120 độ C trong vòng 45 phút, không dùng hóa chất. “Việc phát sinh vi khuẩn độc vượt ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm sự cố”- ông Nguyễn Ngọc Minh, người đồng sáng lập thương hiệu Minh Chay nói.
“Cả gia đình tôi ăn chay trường, không bao giờ dám làm các sản phẩm độc hại bán cho mọi người” - ông Minh phân trần.
Điều cần nói thêm là pate Minh Chay là một trong số 13 sản phẩm của cơ sở sản xuất này tự công bố chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên ở thời điểm sau khi xuất hiện những ca ngộ độc, khi làm việc với các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất không xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu.
Vụ ngộ độc này có phải là một tai nạn nghề nghiệp hay còn do nguyên nhân gì khác nữa vẫn phải đợi câu trả lời cuối cùng từ phía các cơ quan điều tra.
Còn về câu hỏi thứ hai, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý, ở đây Chi cục Quản lý nông lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là đơn vị cấp giấy chứng nhận cho công ty, đồng thời cũng là cơ quan chịu trách nhiệm lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên các sản phẩm của Minh Chay. Đó là thông tin từ ông Nguyễn Thành Luân - Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh.
Có thể thấy nếu công tác lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên các sản phẩm của cơ quan cấp phép được quan tâm hơn, rốt ráo hơn thì chí ít mức độ ngộ độc đã có thể khác đi, thay vì buộc phải đình hoãn giấy phép kinh doanh cùng các bản tự công bố chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất.
Nói một cách khác, ở đây công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý trực tiếp rõ ràng có cái gì đó chưa được đến nơi đến chốn.
Cần khẳng định, tư duy hậu kiểm là đúng đắn nhưng nếu nó không được tiến hành chuyên nghiệp, bài bản thì hậu quả có thể khôn lường, ít nhất cũng có giá bằng một lọ thuốc giải độc tố botulinum lên đến 16.000 USD. Mà không phải có tiền là đã mua được ngay.
Lâu nay có tiêu chí vẫn thường được đề ra là “Hãy là người tiêu dùng thông minh”. Nhưng dù có thông minh hay thông thái cỡ nào đi nữa thì liệu sự thông minh, thông thái đó có hơn được người sản xuất hay không? Đó là câu hỏi khó trả lời.
Mới hay trách nhiệm trước tiên và sau cùng vẫn nằm ở cái “thông thái” phải rất thực chất của người sản xuất. Cùng đó là mức độ trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý, cấp phép.
Cũng là để tránh đi tiếng oan cho những món thực phẩm chay, vốn được người dùng Việt Nam trân trọng và đề cao.