Cơ quan của Quốc hội góp ý để phát triển điện khí, điện gió và năng lượng Hydrogen Chiến lược về phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030 |
Trước áp lực gia tăng từ nhu cầu năng lượng trong nước và xu hướng chuyển đổi năng lượng toàn cầu, Việt Nam đang từng bước tìm kiếm các giải pháp đột phá nhằm phát triển năng lượng bền vững. Trong bối cảnh đó, hydro nổi lên như một giải pháp tiềm năng, không chỉ giúp giảm thiểu khí thải nhà kính mà còn mở ra cơ hội xây dựng nền kinh tế xanh. Tại Diễn đàn “Phát triển Năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra sáng ngày 6/12 tại Hà Nội, các chuyên gia đã tập trung thảo luận chiến lược phát triển thị trường năng lượng, trong đó nhấn mạnh vai trò chiến lược của hydro trong tương lai.
Hydro trong chiến lược năng lượng dài hạn
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Võ Thành Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), chia sẻ quan điểm về vai trò của năng lượng hydro trong chiến lược dài hạn. Theo đó, hydro được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, trong đó nền kinh tế hydro đang nổi lên như xu hướng toàn cầu. Và Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược phát triển hydro để không bị tụt hậu.
TS. Võ Thành Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) - Ảnh: Thế Duy |
TS. Võ Thành Phong chỉ ra rằng năng lượng hydro hiện nay được sản xuất từ ba nguồn chính: Hydro xám, chủ yếu từ khí hóa than, vẫn gây phát thải CO2; hydro xanh dương, sản phẩm đồng hành từ khí tự nhiên; và quan trọng nhất là hydro xanh, được tạo ra qua quá trình điện phân nước bằng năng lượng tái tạo. Trong khi EU đang quyết liệt thúc đẩy chuyển đổi sang hydro xanh, bao gồm mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035.
Hiện nay, các công nghệ sản xuất hydro chủ yếu như điện phân nước và quang hóa đã đạt mức độ hoàn thiện cao. Đặc biệt, phương pháp điện phân nước với màng trao đổi ion đang được triển khai rộng rãi nhờ hiệu suất cao và tính thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, TS. Võ Thành Phong thừa nhận rằng rào cản về chi phí và kỹ thuật vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc triển khai đại trà.
Về mặt chính sách, ông Phong nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị quyết 55 và Quyết định 465 về chiến lược phát triển hydro xanh, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất ít nhất 500.000 tấn hydro mỗi năm, và đạt từ 10 đến 20 triệu tấn vào năm 2050. Ngoài ra, Quy hoạch Điện VIII cũng xác định vai trò của hydro trong việc thay thế hoàn toàn nhiệt điện than, hướng tới mục tiêu chuyển dịch năng lượng triệt để.
Thách thức và cơ hội phát triển nguồn năng lượng hydro tại Việt Nam
TS. Võ Thành Phong cho rằng, tại Việt Nam, việc tiêu thụ hydro hiện nay còn hạn chế và chủ yếu tập trung ở hai nhà máy điện đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau. Đây là nguồn hydro xanh dương (blue hydrogen), được sản xuất từ khí đồng hành, với công suất khoảng 400.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tiêu thụ hydro trong các lĩnh vực khác vẫn còn rất ít, đối mặt với nhiều rào cản, từ công nghệ lưu trữ đến chi phí sản xuất.
Cụ thể, lưu trữ hydro là một thách thức lớn khi cần duy trì nhiệt độ từ -200°C đến -250°C với áp suất cao, đòi hỏi công nghệ hiện đại và chi phí lớn. Đồng thời, vận chuyển hydro cũng không thể áp dụng phương pháp thông thường như dầu khí mà phải dùng khí nén hoặc chuyển đổi sang các hợp chất như amoniac. Dù amoniac có lợi thế về vận chuyển, nhưng quy trình này lại gây hao tổn năng lượng, tạo ra bài toán cân đối hiệu quả cho ngành công nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam chưa có nhà máy nào sản xuất hydro xanh (green hydrogen) từ nguồn tái tạo hoàn toàn. Chi phí sản xuất hydro xanh trong nước ước tính cao gấp 5-7 lần so với thế giới, chủ yếu do giá điện và hiệu suất sản xuất thấp. Trong bối cảnh giá hydro xanh toàn cầu đã giảm xuống dưới 3 USD/kg, đây là thách thức lớn cho các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam.
TS. Võ Thành Phong nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế hydro là nhiệm vụ chiến lược, giống như cách Việt Nam từng bắt đầu từ con số không trong ngành bán dẫn để vươn lên đạt thành tựu hôm nay. Để thúc đẩy lĩnh vực này, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp khoa học - công nghệ, kết hợp nguồn lực trong nước với hợp tác quốc tế.
Từ những phân tích cụ thể, TS. Võ Thành Phong đề xuất ba hướng đi chính để phát triển kinh tế hydro tại Việt Nam. Trước hết, cần tăng cường các dự án nghiên cứu và phát triển ứng dụng, tập trung vào quy mô thí điểm và quy mô nhỏ, đặc biệt trong ba lĩnh vực tiêu thụ hydro lớn nhất là ngành điện, hóa chất và giao thông vận tải. Đây là những ngành có tiềm năng kích cầu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị hydro trong nền kinh tế.
Thứ hai, việc hoàn thiện cơ chế chính sách đóng vai trò dẫn dắt, giúp định hướng rõ điểm xuất phát và xác lập các ưu tiên đầu tư ngắn và trung hạn. Chính sách cần hỗ trợ việc phát triển công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực còn mới mẻ này.
Cuối cùng, là tăng cường kết nối giữa nghiên cứu và doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp để bảo đảm kết quả nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tế, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho sản xuất và tiêu thụ hydro trong tương lai.
Theo TS. Võ Thành Phong, các quốc gia phát triển như châu Âu đã đầu tư mạnh mẽ, lên đến 100 tỷ euro, để phát triển kinh tế hydro. Việt Nam cần tận dụng kinh nghiệm và hợp tác quốc tế để nhanh chóng bắt kịp xu thế toàn cầu, hướng tới xây dựng một nền kinh tế hydro hiện đại và bền vững.