Việt Nam - Ấn Độ mở rộng hợp tác kinh tế, tập trung phát triển năng lượng xanh
Tin hoạt động 25/10/2024 16:07
Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương còn có đại diện các đơn vị của Bộ: Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Dầu khí và Than.
Tại buổi tiếp và làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cùng Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya cùng cho biết, trong thời gian vừa qua, quan hệ chính trị, ngoại giao và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Ấn Độ. (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Trong quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, tiềm năng của hai nền kinh tế dồi dào, với quy mô thương mại quốc tế lớn của Việt Nam và Ấn Độ, hai nước còn rất nhiều dư địa để tăng mạnh hơn nữa thương mại song phương.
Trong quan hệ hợp tác thương mại đầu tư, nhiều năm qua, thương mại luôn được đánh giá là trụ cột vững chắc trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Kể từ khi hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã liên tục tăng trưởng ổn định. Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 6,26 tỷ USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là: Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,82%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 17,21%); và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm 9,52%). Trong thời gian tới, hai nước đang nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 20 tỷ USD.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã nêu rõ định hướng của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng. Việt Nam hiện đang triển khai Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đẩy mạnh phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước.
Một bước đi cụ thể trong hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam là Nghị định 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024, quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Theo Nghị định này, các đối tượng như nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các cơ sở sản xuất kinh doanh đều có thể tham gia vào việc phát triển điện mặt trời. Chính phủ khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời với giá thành hợp lý, kết hợp với pin lưu trữ năng lượng, đặc biệt là ở các khu vực có tiềm năng về điện gió và điện mặt trời hoặc gần các trung tâm phụ tải. Việt Nam hy vọng thu hút được sự quan tâm và đầu tư từ các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cuộc gặp gỡ giữa hai bên đã tạo ra những cơ hội mới. (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Về phía Ấn Độ, Đại sứ Sandeep Arya cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ vào tháng 8/2024 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, tạo động lực mới cho hợp tác song phương. Ông cũng khẳng định rằng, Ấn Độ rất mong muốn mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với Việt Nam và hy vọng Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này. Đại sứ Arya đề xuất rằng, Bộ Công Thương Việt Nam nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và tập đoàn năng lượng của Ấn Độ tiếp cận, nghiên cứu và đầu tư vào các dự án năng lượng tại Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ giữa Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Sandeep Arya đã tạo ra những cơ hội mới cho cả hai bên trong việc phát triển hợp tác kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.