Xuất nhập khẩu gia tăng, giao thương qua cửa khẩu nhộn nhịp Gia Lai: Khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu |
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài được thành lập năm 1998, có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á. Khi mới thành lập, khu kinh tế thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, với mục tiêu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics quan trọng trên tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
Tuy nhiên những năm gần đây sự phát triển không được duy trì ổn định, dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sẽ được điều chỉnh quy hoạch theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Ảnh: Tấn Hưng |
Nhằm khai thác tiềm năng to lớn của khu vực này, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đang tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cuối tháng 11/2023, tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã khởi công cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài nhằm phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị - dịch vụ Mộc Bài gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Việc chuẩn bị tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài để đồng bộ hóa hệ thống giao thông thuận lợi là một trong những yếu tố quan trọng thu hút đầu tư tại khu kinh tế trong tương lai.
Sau khi quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được duyệt, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lập các quy hoạch phân khu, làm cơ sở đề xuất đầu tư các dự án trọng điểm để kết nối vận hành đồng bộ các cửa khẩu.
Định hướng phát triển các dự án hạ tầng tại Mộc Bài cần tuân thủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Đánh giá của giới chuyên gia, việc đầu tư hạ tầng cho Mộc Bài giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy giao thương quốc tế. Việc đầu tư hạ tầng giao thông và logistics sẽ giúp tăng cường kết nối giữa Mộc Bài và các khu vực kinh tế trọng điểm khác, không chỉ trong nước mà còn với các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan và Lào.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển sẽ tạo ra nguồn lực, động lực và tiềm lực kinh tế lớn, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước trên tuyến biên giới phía Tây Nam.
Nhờ lợi thế nằm trong vùng động lực tăng trưởng cao, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là TP. Hồ Chí Minh, do đó khi cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được đầu tư đồng bộ sẽ hình thành vùng tam giác, bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố “đường biển - đường hàng không - đường bộ” của Vùng và khu vực.
Cùng với đó, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài hình thành sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vai trò, tầm quan trọng của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.