Lạng Sơn: Các cửa khẩu vẫn hoạt động xuyên suốt dịp nghỉ lễ 2/9 Gia tăng hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới |
Xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tăng cao
Theo Hải quan tỉnh Lạng Sơn, tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt trên 40 tỷ USD, tăng trên 26,58% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai qua Cục Hải quan Lạng Sơn đạt trên 3,3 tỷ USD.
Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, xuyên suốt tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma và cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng.
Riêng hai cửa khẩu Na Hình và Nà Nưa vẫn thực hiện hoạt động bình thường, tuy nhiên từ tháng 5/2024 đến nay không có hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua đây.
Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai tăng cao (Ảnh: Trọng Bảo) |
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng tương đối sôi động. 8 tháng năm 2024, thương mại hàng hóa khởi sắc hơn. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu diễn ra thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: sầu riêng, gỗ ván bóc, thanh long, mít, chuối, nhãn…. và chiều nhập khẩu gồm: hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện…
Thời điểm hiện tại, giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh so với các tháng trước chủ yếu do hàng sầu riêng của Tây Nguyên vào chính vụ. Các mặt hàng rau củ quả nhập khẩu cũng đang trong giai đoạn chính vụ.
Song song với đó, lsượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng 500-600 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 160-180 xe/ngày; nhập khẩu từ 400-420 xe/ngày.
Tại cửa khẩu quốc tế ga đường sắt, hoạt động thông quan diễn duy trì với 04-06 chuyến tàu xuất cảnh, nhập cảnh/ngày, giá trị xuất nhập khẩu trung bình hàng tháng đạt khoảng 280 triệu USD.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu tại Lào Cai ước đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng 71,65% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 50,48% so với kế hoạch.
Riêng tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II - Kim Thành, hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra sôi động và thuận lợi, tổng giá trị xuất nhập khẩu trong 8 tháng năm 2024 đạt 1,768 tỷ USD.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu này như: sầu riêng đạt 778,5 triệu USD, thanh long đạt đạt 72,1 triệu USD, quả mít đạt 31,8 triệu USD, dưa hấu đạt d14,7 triệu USD, quả vải đạt 11,9 triệu USD, gỗ các loại đạt 13,1 triệu USD…
Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu: rau củ quả các loại đạt 164,1 triệu USD, phân bón đạt 92,1 triệu USD, điện năng đạt 65,6 triệu USD, hóa chất đạt 28,4 triệu USD, máy móc thiết bị đạt 17,5 triệu USD, than cốc đạt 9,9 triệu USD.
Tại khu vực cửa khẩu Móng Cái – Quảng Ninh, lũy kế đến 15/8/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã thu hút 1.071 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục qua địa bàn (gồm 259 doanh nghiệp trong tỉnh, 812 doanh nghiệp ngoài tỉnh).
Chi cục đã làm thủ tục cho 55.392 tờ khai với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu là 2,426 tỷ USD, tăng 13% về tờ khai và tăng 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Chi cục đã thu ngân sách đạt 1.468 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023; đạt 92% chỉ tiêu được giao năm 2024 (1.600 tỷ đồng).
Đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu
Xác định kinh tế cửa khẩu là một thành tố quan trọng trong kinh tế các địa phương biên giới và cả nước, các Bộ ngành, địa phương đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp xuất nhập khẩu qua khu vực này.
Trong chuyến làm việc tại Lào Cai ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dành thời gian đến thị sát tại cửa khẩu Kim Thành – Lào Cai. Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương chú trọng đầu tư hạ tầng logistics, kho, bãi, nhất là ở Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tạo thuận lợi cho phát triển lưu thông hàng hóa và khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu, góp phần xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc và xa hơn nữa là Đông Âu...
Tại Lạng Sơn, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo hiệu quả, thuận lợi hoá thông quan như thường xuyên nắm thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp về tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá. Song song với đó, tăng cường hội đàm với phía Trung Quốc, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh. Thực hiện điều tiết, phân luồng phương tiện xuất nhập khẩu vào các thời gian cao điểm; tăng cường cải cách hành chính trong các hoạt động để giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu, định hướng quy hoạch phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng để phù hợp với từng khu vực cửa khẩu; tham mưu xây dựng phát triển cửa khẩu Lạng Sơn theo hướng xác định tính chuyên biệt cho các cửa khẩu.
Đối với Quảng Ninh, theo kết quả Hội đàm vào trung tuần tháng 8/2024 giữa chính quyền TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam) và TP Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), hai địa phương đã thống nhất tăng thời gian thông quan, mở cửa khẩu Bắc Luân II từ 7 giờ đến 20 giờ vào các ngày trong tuần, bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật (trừ ngày Tết).
Thời gian thí điểm từ cuối tháng 9/2024 đến trước tết Nguyên đán năm 2025. Sau đó, hai Bên tổng kết, đánh giá hiệu quả thông quan và thống nhất phương án vận hành cửa khẩu thời gian tiếp theo.
Đây là kết quả được các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu và người dân của cả hai bên mong đợi, việc mở cửa khẩu thêm 2 ngày trong tuần tạo nhiều cơ hội cho hoạt động giao nhận hàng hóa, nhất là thủy, hải sản, trái cây tươi, tránh được việc lưu phương tiện vận tải sau khi giao nhận xong hàng hóa vào những ngày cuối tuần như trước.