Phát triển du lịch bền vững: Tăng năng lực cạnh tranh cho điểm đến
Bước tiến thần kỳ
Ngành du lịch Việt Nam đã có một bước tiến khá thần kỳ khi từ vị trí số 0 đã vươn lên thành điểm đến hàng đầu trong khu vực, với sự tăng trưởng lượng khách quốc tế rất ấn tượng. Đó là kể từ giai đoạn năm 2015-2019, du lịch Việt Nam có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ, với lượng lhách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, khách du lịch nội địa tăng gấp 1,5 lần từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt.
Ngoài ra, đóng góp của du lịch vào GDP cũng tăng từ 6,3% năm 2015 lên 9,2% năm 2019. Năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 lên 63/140 nền kinh tế; đứng đầu trong các bảng xếp hạng về du lịch toàn cầu. Du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho người dân…
Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu |
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung. Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội, cụ thể như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống... Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm khoảng 80%, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về kinh tế du lịch lên tới 23 tỷ đô la Mỹ. Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến cho hoạt động du lịch chưa thể hồi phục trở lại theo như kỳ vọng.
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 được xem như một cơn sóng thần càn quét ngành du lịch thế giới, khả năng và lộ trình hồi phục đến nay còn chưa thực sự rõ ràng. Trước bối cảnh đầy thách thức hiện tại, ngành du lịch cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Đồng thời, như Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- nhấn mạnh, đại dịch xẩy ra qua đó cũng giúp chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển ngành du lịch theo hướng dài lâu, bền vững hơn.
Hướng đi tất yếu
Với tinh thần chủ động thích ứng của ngành du lịch trong đại dịch của ngành du lịch, việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo nhiều chuyên gia kinh tế là sẽ mang lại cơ hội phục hồi, cũng như phát triển dài hơi cho lĩnh vực này trước các biến động khó lường của kinh tế, xã hội khi đề ra mục tiêu rất cụ thể, đó là: Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, thông qua Quy hoạch là để xác định cơ sở định hướng phát triển du lịch cho các vùng, khu vực động lực, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch khác trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác liên quan đến lĩnh vực du lịch; quản lý, điều hành hoạt động phát triển du lịch, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trung và dài hạn. Tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển du lịch; cơ sở huy động nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch…
Bên cạnh đó, có thể thấy rằng việc phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế. Bởi đây đang là xu thế phát triển của du lịch toàn cầu, nhất là hậu dịch Covid-19.
Trong một nghiên cứu của Tổ chức SNV của Hà Lan cho thấy, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia bảo vệ môi trường và hỗ trợ hoạt động từ thiện ở địa phương. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Trip Advisor, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững (WEF), 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES).
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Quy hoạch cũng đề ra nhiều giải pháp, cụ thể về: Phát triển sản phẩm - thị trường du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phát triển du lịch; giải pháp về đầu tư phát triển du lịch; giải pháp về cơ chế, chính sách; bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch…
Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm bảo đảm việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.