Phát triển điện mặt trời mái nhà tại TP. Hồ Chí Minh: Tạo sự gắn kết giữa các bên
Tại hội thảo, EVNHCMC và các đối tác đã cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin những chính sách mới về phát triển điện mặt trời; thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển ĐMTMN; giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, đầu tư, tài chính cho ĐMTMN…
Các nhà khoa học và doanh nghiệp đã đưa ra giải pháp phát triển ĐMTMN tại TP. Hồ Chí Minh |
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ hệ thống điện mặt trời đã đưa ra nhiều giải pháp đầu tư cho khách hàng là hộ gia đình và tổ chức, DN. Đáng chú ý, nhiều giải pháp tài chính đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời được nhiều DN đề xuất tại hội thảo.
Cụ thể về giải pháp kỹ thuật, đầu tư, Công ty SolarBK đưa ra phương thức đầu tư ESCO, cùng đầu tư với khách hàng là tổ chức, DN với tỷ lệ góp vốn từ 70-100%, giải pháp phối hợp đầu tư và chuyển giao hệ thống...
Về phía tổ chức tín dụng như Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) triển khai chính sách cho vay 70% chi phí lắp đặt đối với khách hàng DN và DN cá nhân với tài sản bảo đảm chính là hệ thống điện mặt trời áp mái.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tài chính điện lực (EVN Finance) cũng đưa ra gói tài chính thiết kế riêng cho khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN với mục tiêu giải ngân 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2022.
Các đại biểu tại hội thảo đều nhìn nhận, công tác phát triển ĐMTMN là xu hướng của tương lai. Bên cạnh các lợi ích về kinh tế, công tác này còn giúp cho việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và giảm các tác hại về biến đổi khí hậu.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC: Tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN |
Khách hàng lắp đặt ĐMTMN mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ giảm mua điện lưới quốc gia; có thể bán phần điện không sử dụng hết cho ngành điện với giá cao; chống nóng hiệu quả cho nhà ở, công trình xây dựng; nâng cao thương hiệu, hình ảnh của DN khi sử dụng năng lượng sạch, có thể được cấp chứng chỉ năng lượng tái tạo giúp tăng lợi thế cạnh tranh…
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết, thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền và khuyến khích khách hàng lắp đặt điện mặt trời, tổng công ty đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường vận động hiệu quả công tác lắp đặt điện mặt trời.
Cụ thể, phối hợp với Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) và Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HBA) triển khai các hoạt động tuyên truyền điện mặt trời trong các khu công nghiệp – khu chế xuất; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời để triển khai các gói sản phẩm ưu đãi đến các doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện…
Hiện tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ khí hậu và sức khỏe cộng đồng
Tính đến hết tháng 5/2020, toàn TP. Hồ Chí Minh có 7.341 công trình với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp. Lượng điện năng phát lên lưới từ năm 2017 đến nay là 33,33 triệu KWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng) trong đó có 102 dự án ĐMTMN có công suất từ 100KWp đến 1.000KWp đã đấu nối vào lưới điện thành phố với tổng công suất là 37,23 MWp. |