Thứ bảy 28/12/2024 21:39

Phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi: Chính sách cần sự ưu tiên, khác biệt

Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp thường nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này đều rất quan tâm đến người cao tuổi. Bởi vì đây là một nguồn lực quý báu của quốc gia. Người cao tuổi có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp và nhiều mối quan hệ trong xã hội.

Cả nước có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi

Tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội vừa tổ chức, TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhận định: Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng.

Theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam cũng tăng từ 68,6 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi (người cao tuổi) ở nước ta sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước.

Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi

Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động, số người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có bảy lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay cùng với chất lượng cuộc sống ngày nâng lên, thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội cho biết: Kết quả nghiên cứu vào tháng 6 và tháng 8 năm 2020 tại 3 địa phương là TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3 - 4 % là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó còn hàng vạn người cao tuổi tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật…

Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có 22.596 người cao tuổi, độ tuổi 60-69 chiếm 67%. Trong đó, có khoảng 40-50% người cao tuổi vẫn tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt có 230 người cao tuổi là chủ các trang trại, thu hút nhiều lao động…” - TS. Nguyễn Hải Hữu nêu dẫn chứng cụ thể.

TS. Nguyễn Lê Minh - chuyên gia kinh tế lao động cho hay: Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với người cao tuổi ở nông thôn, nhiều người cao tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cả nước hiện có gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi.

Đưa ra ví dụ, TS. Nguyễn Lê Minh chia sẻ các tấm gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi như: Ông Nguyễn Quốc Toản, 73 tuổi, ở Nam Định, nguyên kỹ thuật viên cơ khí đã mở công ty sản xuất các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, thu hút 50 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/tháng, doanh thu hàng năm 15 tỷ đồng. Hay, bà Trần Thị Khánh Toàn, ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, với kinh nghiệm 26 năm làm nghề với đá, đã mở liền 4 công ty khai thác và chế biến đá, với số vốn 500 tỷ đồng, thu hút 150 lao động”.

“Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp thường nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Nhưng kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong lĩnh vực này họ đều rất quan tâm đến người cao tuổi. Bởi vì họ nhận thực rõ đây là một nguồn lực quý báu của quốc gia. Người cao tuổi có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội” - TS. Nguyễn Lê Minh nói.

Quan tâm, tạo điều kiện hơn cho người cao tuổi

Theo TS. Nguyễn Lê Minh: Kinh nghiệm của các nước thành công trong chương trình quốc gia khởi nghiệp đều có sự quan tâm đáng kể đến người cao tuổi. Chẳng hạn, ở Mỹ, chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bất kể người khởi xướng là ở độ tuổi nào. Ngoài các chính sách về trợ giúp kỹ thuật, mềm hóa các thủ tục hành chính, Nhà nước còn trực tiếp tham gia vào việc đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hay, ở Israel, chính phủ đẩy mạnh văn hóa khởi nghiệp trong toàn dân, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo. Nhà nước còn trực tiếp đứng ra thành lập các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) để rót vốn cho các dự định và kế hoạch khởi nghiệp. Hàn Quốc cũng là một quốc gia châu Á thành công trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp qua các chính sách tài chính, trợ giúp pháp lý, thu hút nhân tài.

TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhận định: Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng

Hiện nay, nước ta đang chuẩn bị chương trình hành động quốc gia cho người cao tuổi giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi cho rằng, khi soạn thảo chương trình này, cần có chương mục đề cập đến trợ giúp người cao tuổi khởi nghiệp. Khi người cao tuổi đã khởi nghiệp thành công (hình thành cơ sở sản xuất kinh doanh), Nhà nước và các tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành với họ và trợ giúp những vấn đề liên quan đến luật doanh nghiệp, luật kinh doanh, luật lao động, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường…- TS. Nguyễn Lê Minh đề xuất.

TS. Nguyễn Hải Hữu nêu ra thực trạng: Mặc dù có chính sách hỗ trợ về sinh kế cho người cao tuổi nhưng thực tiễn không thu thập được số liệu thống kê về người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh có nhu cầu hỗ trợ tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ đầu vào - đầu ra và quá trình sản xuất như hỗ trợ vay vốn, học nghề, khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về tư liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đầu ra… “Những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, truyền nghề… cũng không được miễn giảm thuế sản xuất kinh doanh và thuế thu nhập cá nhân” - TS. Nguyễn Hải Hữu nói.

Bên cạnh đó, đối với nhóm người cao tuổi còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống như người cao tuổi thu nhập thấp, người cao tuổi thuộc diện nghèo sống độc lập, người cao tuổi cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn... Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với người cao tuổi với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của người cao tuổi. Đồng thời, chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi ở vùng đồng bằng và thành thị.

Kiến nghị các chính sách cụ thể nhằm phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, TS.Nguyễn Hải Hữu nêu: Cần có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông - khuyên lâm - khuyến ngư để nâng cao nhận thức - kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú.

Cùng với đó, cần có chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ và khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh; chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩn xanh - sạch - an toàn; chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại; chính sách ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận ...

TS. Trần Ngọc Diễn chia sẻ thêm: Số lượng người cao tuổi có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng. Để người cao tuổi tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi.

Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của người cao tuổi lại càng khó khăn hơn, nhiều người cao tuổi bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước - TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh.

Chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp người cao tuổi tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu và bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập. Do vậy, nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế của người cao tuổi.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Khởi nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức tính đến hết tháng 10/2024

Chi trả lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp khó tuyển được lao động

Chính sách hỗ trợ cán bộ phù hợp sẽ đảm bảo tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả cao nhất

Gia Lai: Ngày hội việc làm mở ra nhiều cơ hội cho người lao động

Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng: Điểm đầu vào đại học thấp vì tư tưởng thích đại học hơn học nghề

Doanh nghiệp ‘nới’ tuổi tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng

Đảm bảo an toàn cho phụ nữ ra nước ngoài làm việc

Bộ Nội vụ nghiên cứu chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi tinh gọn bộ máy

Nhân sự 2/12: Tỉnh ủy Thái Bình bầu Bí thư; Tỉnh ủy Hưng Yên, Tuyên Quang bổ nhiệm nhân sự chủ chốt

Chạy đua cày cuốc cuối năm, làm gì để thanh lọc làm mát cơ thể

Nhân sự địa phương: Thái Bình, Hòa Bình, Hà Nam cùng nhiều tỉnh phía Nam bổ nhiệm cán bộ chủ chốt

Uống Trà Xanh Không Độ giảm căng thẳng khi nỗ lực làm ngày cày đêm chạy đua với tết

Nhân sự 29/11: Bộ Ngoại giao bổ nhiệm lãnh đạo Vụ; Cục Hải quan Lạng Sơn, Hải Phòng có tân lãnh đạo

Nhân sự 28/11: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải có tân Bộ trưởng; Quốc hội bổ nhiệm nhân sự mới

Nóng: Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Công an xử lý người đưa tin sai sự thật về sáp nhập tỉnh, thành

Doanh nghiệp tuyển 7.000 việc làm tại Ngày hội tuyển dụng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Nhân sự 27/11: Bộ Xây dựng bổ nhiệm Chánh văn phòng; Hòa Bình, Hà Giang điều động cán bộ chủ chốt

Nhân sự 26/11: Bộ Tài chính bổ nhiệm lãnh đạo cục, vụ; Tỉnh ủy Thái Bình, Hà Nam có nhân sự mới

Bài 2: Khi phụ nữ được trao quyền "dẫn dắt" doanh nghiệp

Nhân sự 25/11: Đồng ý cho các ông Bùi Văn Cường, Nguyễn Văn Thể thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng