Phân cấp triệt để, chủ động trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - đoàn Yên Bái cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh được tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 108 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - đoàn Yên Bái phát biểu |
Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến việc phân bổ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm quy định tại khoản 1 Điều 4, đại biểu thống nhất với quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương cho thấy một số nội dung dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành, do đó không còn đối tượng để thụ hưởng hoặc đối tượng thụ hưởng chưa đủ điều kiện để hỗ trợ theo quy định, trong khi đó các nhiệm vụ, nội dung chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất cần thiết nhưng nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ chi thường xuyên của các nội dung dự án không còn đối tượng chi hoặc không có khả năng giải ngân để chuyển sang chi đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới để tạo tính linh hoạt, chủ động cho địa phương trong cân đối sử dụng nguồn lực phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu lựa chọn phương án 1 là thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án phát triển sản xuất. Việc xác định từng loại tài sản cụ thể cho từng đối tượng cụ thể do cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định khi phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Theo đại biểu, phương án này sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là tại các cấp cơ sở, thuận lợi hơn trong công tác theo dõi, giám sát đối với các tài sản này. Vì theo quy định thì tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được hỗ trợ từ cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn tự có của chủ dự án.
Tuy nhiên, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chỉ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước, không quy định về việc xử lý tài sản của dự án hỗn hợp, trong đó có một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án.
Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phần lớn là các dự án hỗ trợ mua sắm cây, con giống, ít hình thành tài sản cố định nên việc xác định, theo dõi, kiểm kê tài sản hình thành sau thực hiện dự án là rất khó khăn. Việc quy định tài sản hình thành sau dự án đối với phần kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là tài sản công thì phải theo dõi, kiểm kê, bàn giao như phương án 2 sẽ rất khó khăn cho các cơ quan quản lý, không khuyến khích được người dân tham gia thực hiện dự án.
Do vậy, đại biểu cho rằng đề xuất quy định tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không phải là tài sản công theo phương án 1 là hoàn toàn phù hợp.
Tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, sau khi nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2.
"Phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh" - đại biểu nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đã giao chi tiết cơ cấu, nguồn vốn, mức vốn cho các đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp huyện của một số tỉnh trong việc nghiên cứu, phê duyệt cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hạn chế, chưa có sự bao quát tổng thể để đảm bảo mục tiêu chung của chương trình.
Do vậy, việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Đồng thời, đại biểu đề nghị trong nghị quyết cần quy định thêm là trên cơ sở kết quả phân cấp, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam phát biểu |
Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam cũng đồng tình cao với việc cần thiết phải xây dựng một nghị quyết về cơ chế đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như Chính phủ cũng như Hội đồng Dân tộc là cơ quan thẩm tra đã trình bày.
Trong các phương án đang được nêu lên ở trong dự thảo nghị quyết lần này, đại biểu nhận thấy chúng ta có những cơ chế điều chỉnh. Ví dụ, như phân cấp để cho tỉnh điều chỉnh về dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch vốn. Điều đó rất phù hợp.
“Lần này trong dự thảo nghị quyết tôi ủng hộ việc chúng ta phân cấp rất mạnh. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ của các chương trình mục tiêu là do thủ tục của chúng ta rườm rà và qua quá nhiều cấp. Do vậy, chúng ta mạnh dạn phân cấp và thậm chí phân cấp đến cấp huyện như thế này rất trúng, tôi rất ủng hộ” - đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Đại biểu Lò Thị Luyến - đoàn Điện Biên nêu, dự thảo nghị quyết quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, dự toán chi tiết đến từng dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện.
Bà Luyến đặt vấn đề, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào cần thiết và khi nào mà không cần thiết. Theo đó, đề nghị nội dung này phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ Hội đồng nhân dân tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và triển khai dự án, triển khai giải ngân vì quy trình, thủ tục trình từ chủ dự án lên huyện, lên tỉnh rất phức tạp.
Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Điện Biên nhận định, tại khoản 4 Điều 4 về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa trong hoạt động phát triển sản xuất. Việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất là phù hợp.
Tuy nhiên, việc giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm cần phải làm rõ nội dung: Trường hợp nào cơ quan quản lý nhà nước được giao cho chủ dự án phát triển sản xuất.
Theo Thông tư 55 năm 2023, khoản 2 Điều 3 có 2 trường hợp: Một là đơn vị thực hiện hoạt động hỗ trợ mua sắm thì thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; hai là, giao cho chủ dự án tự mua sắm.
Nhưng Thông tư 55 năm 2023 không quy định tiêu chí để áp dụng 1 trong 2 trường hợp trên. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể chỉ tiêu giao cho chủ dự án thực hiện mua sắm, đó là trên cơ sở đề xuất của chủ dự án theo đơn đề xuất để các cơ quan tổ chức thực hiện cho thuận lợi.