PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế
Sáng 23/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển".
Tại phiên thảo luận của diễn đàn với chủ đề: "Ngành Công Thương chống lãng phí và khơi thông nguồn lực phát triển để đột phá trong kỷ nguyên mới", các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đề xuất tập trung vào các vấn đề nhận diện lãng phí (thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, nhân lực…); chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trong nước, quốc tế về công tác phòng chống lãng phí; đề xuất giải pháp chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển.
Diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển" - Ảnh: Cấn Dũng |
Giảm chi phí tuân thủ pháp luật: Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu vấn đề: Hiện Việt Nam đã có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, doanh nghiệp đều thực hiện và có kết quả tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra cũng như mong mỏi của nhân dân... Từ đó, đề nghị các diễn giả chia sẻ thêm kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tiết kiệm, phòng chống lãng phí hiệu quả? Liệu có cần thiết phải sửa luật hay không?
Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết tận gốc các vấn đề đang đặt ra, cốt lõi vẫn là nâng cao chất lượng thể chế. "Chúng ta đều hiểu rằng thiện chí và tinh thần cải cách đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và định hướng mọi hoạt động kinh tế - xã hội", ông khẳng định.
Về vấn đề giảm chi phí tuân thủ pháp luật, vị chuyên gia cho rằng cần tập trung vào 5 yếu tố chính, vì các chi phí này tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:
Thứ nhất là thủ tục hành chính.
Thứ hai là phí và lệ phí. Nếu có thể cắt giảm các khoản phí và lệ phí không cần thiết, hoặc điều chỉnh chúng một cách hợp lý sẽ tiết kiệm được nguồn lực đáng kể, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba là chi phí không chính thức. Đây là một khía cạnh tuy trừu tượng nhưng vô cùng quan trọng. Nhiều quy định pháp luật hiện nay không rõ ràng, khiến doanh nghiệp phải chịu thêm những chi phí phát sinh ngoài ý muốn.
Ông nêu ví dụ, trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, nhiều yêu cầu liên quan đến quy hoạch không được quy định rõ ràng. Chẳng hạn, khi đề cập đến việc dự án "phù hợp với quy hoạch" lại không chỉ rõ đó là quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, hay quy hoạch chi tiết. Điều này buộc cơ quan quản lý phải yêu cầu bổ sung tài liệu, mất thời gian và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Đình Thiên trao đổi tại diễn đàn - Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ tư là chi phí cơ hội. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các quy định không rõ ràng chính là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh", ông nói.
Ví dụ, khi doanh nghiệp cần thẩm tra một dự án, nếu các yêu cầu về tính phù hợp của quy hoạch không được nêu cụ thể, họ sẽ phải chờ đợi hoặc tìm kiếm thêm thông tin, gây lãng phí cơ hội.
Thứ năm là chi phí vô thức. Đây là loại chi phí không thể đo lường được nhưng lại xuất hiện trong quá trình doanh nghiệp cố gắng tuân thủ các quy định pháp luật một cách nhanh chóng, hợp lý và hợp pháp.
Do đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, thời gian tới, cần tập trung quyết liệt vào việc nâng cao chất lượng các quy định pháp luật, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo trong thực thi và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, mở ra một chương mới cho nền kinh tế
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, một điểm sáng đáng ghi nhận là phong trào cắt giảm các quy định kinh doanh mà Bộ Công Thương đã thực hiện cách đây một năm, khi Chính phủ phát động chương trình này. Bộ Công Thương đã tiên phong rà soát và cắt giảm hàng nghìn quy định và điều kiện kinh doanh.
Một ví dụ điển hình là việc bãi bỏ quy định về khoảng cách giữa các cây xăng, cho phép doanh nghiệp tự cạnh tranh lành mạnh. Đây là một bước tiến lớn, bởi trước đó, quy định yêu cầu cây xăng phải cách nhau một khoảng nhất định, gây khó khăn và hạn chế quyền tự do kinh doanh.
"Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, không chỉ việc xây dựng mà cả quá trình thực thi quy định pháp luật cũng rất quan trọng. Một quy định nếu được thực hiện không hiệu quả có thể gây thêm chi phí hoặc làm mất cơ hội kinh doanh, thay vì mang lại lợi ích như mong muốn", vị chuyên gia cho hay.
Để khắc phục tình trạng này, PGS.TS Trần Đình Thiên đã đưa ra 2 giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, cần phát huy các thực tiễn tốt tại địa phương, đặc biệt là những cách làm linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật.
Ông nêu ví dụ, thay vì gửi hồ sơ qua các cơ quan chức năng một cách cứng nhắc, có thể tổ chức họp liên ngành để giải quyết các vấn đề nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương lại lo ngại khi không có văn bản hướng dẫn cụ thể, dẫn đến tình trạng thực hiện máy móc và kém hiệu quả.
Thứ hai, cần áp dụng triệt để nguyên tắc "im lặng là đồng ý". Điều này có nghĩa là nếu cơ quan chức năng không phản hồi trong thời gian quy định, doanh nghiệp được xem như đã hoàn thành thủ tục và có quyền tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Bộ Xây dựng gần đây đã áp dụng nguyên tắc này trong việc xác nhận điều kiện chào bán nhà ở hình thành trong tương lai. Sau 15 ngày không có ý kiến phản hồi, doanh nghiệp được phép triển khai. Theo ông, nguyên tắc này cần được mở rộng sang các lĩnh vực khác, như phòng cháy chữa cháy hay xác nhận các điều kiện kinh doanh khác.
"Thời gian tới, việc nâng cao chất lượng thể chế và thúc đẩy sự sáng tạo trong thực thi pháp luật là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng các cơ hội kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững", PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Thông qua việc tổ chức diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", Bộ Công Thương mong muốn góp phần quán triệt và lan tỏa những chỉ đạo, thông điệp mạnh mẽ và đổi mới của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Đồng thời giúp Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành, địa phương nói chung tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. |