PGS Trần Đình Thiên: Phải quy hoạch, đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện hiệu quả
PGS, TS Trần Đình Thiên cho biết khi trao đổi với phóng viên, tình trạng thiếu điện, cắt điện luận phiên trên diện rộng tại miền Bắc những ngày vừa qua có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện, nếu chúng ta làm tốt thì tình hình sẽ tốt hơn. Từ đây đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện hiệu quả.
“Ngành điện là ngành cần hệ thống thì vấn đề tầm nhìn đang rất thiếu hệ thống. Chúng ta đang có cơ hội, mà như Thủ tướng nói là cơ hội trời cho về nắng, gió. Chúng ta cũng đã có cách tiếp cận để tận dụng cơ hội đó. Nhưng do cách làm kiểu nông dân, lỗ mỗ không có hệ thống nên khi mở cửa được một chút chính sách cho ngành điện thì hệ thống truyền tải rất kém, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực, lãng phí tài nguyên và hậu quả rất nghiêm trọng như bây giờ”, PGS,TS Trần Đình Thiên nói.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng phải làm rõ trách nhiệm vì sao suốt 5 năm rồi không làm được nhà máy điện lớn nào thêm ngoài Thái Bình 2 đã triển khai từ 10 năm trước. Mấy năm qua mà không đầu tư thêm được nhà máy nào, đặc biệt đầu tư cho hệ thống truyền tải và không tháo gỡ cơ chế để cho tư nhân tham gia vào (truyền tải) là cả một câu chuyện rất lớn về tầm nhìn và trách nhiệm.
Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nói về quản lý đầu tư, chiến lược của các tập đoàn lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ khi có Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì Bộ Công Thương đã “lùi" về phía sau. Chuyện đầu tư kinh doanh của các tập đoàn chính này là điểm nút của vấn đề.
“Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với vai trò là "tổng quản" thì cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước liên quan là như thế nào? Ví dụ như PVN, EVN và TKV đã phối hợp với nhau ra rao? Đây cũng là vấn đề then chốt. Đất nước ta trải dài 3 miền nên cần sự phối hợp và liên kết. Nếu bản thân các chủ thể này không phối hợp và liên kết được sẽ gây ra nguy cơ đứt đoạn rất lớn trong điều hành”, PGS,TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Từ đó, PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, hậu quả thiếu điện hôm nay là của tầm nhìn cả chiến lược trước đó. Đâu phải đầu tư một dự án điện 1-2 năm là có điện mà dùng.
Theo ông Thiên, giải pháp tháo gỡ nhanh trước mắt là tạo cơ hội cho tư nhân tham gia vào thị trường điện. Nhưng, muốn cho tư nhân vào thì thủ tục phải nhanh, điều kiện thông thoáng.