Nữ nghệ nhân kể chuyện văn hóa Việt trên áo dài
Một trong những nhà thiết kế tạo lên những dấu ấn đậm nét cho tà áo dài Việt Nam trong tâm trí bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện lớn về văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội là Nhà thiết kế Lan Hương.
Chị được biết đến với vai trò như là “Người truyền lửa” thông qua các bộ sưu tập như: Cổng làng Hà Nội, Huyền thoại Đông Hồ, Rồng Thiêng, Phố cổ Hà Nội…
Niềm đam mê bất tận
Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, Lan Hương tốt nghiệp Đại học Văn hóa với chuyên ngành Trang điểm, nhưng lại đam mê thiết kế thời trang. Ban đầu chị chỉ cắt may những bộ quần áo mà mình sáng tạo ra cho khách hàng thân thiết, rồi dần chuyển sang thiết kế váy cưới, dạ hội và cách đây 20 năm chị chính thức chuyển sang thiết kế áo dài bởi sự đam mê với dòng trang phục này.
Còn nhớ, tại Festival Áo dài Hà Nội diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) năm 2016, công chúng Thủ đô và du khách tham quan đã rất ấn tượng khi chiêm ngưỡng Bộ sưu tập áo dài chủ đề “Cổng làng Hà Nội” và “Huyền thoại Đông Hồ” của nhà thiết kế Lan Hương.
Trước đó, Bộ sưu tập Huyền thoại Đông Hồ tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn trình diễn tại Hội nghị ASEAN tổ chức ở Malaysia 2005. Hồi tưởng lại những cảm xúc của mình, chị Lan Hương cho biết, sau khi Huyền thoại Đông Hồ được trình diễn tại Malaysia năm 2005, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục mời tôi tham gia cho ASEAM 5 rồi APEC năm 2007 với 2 bộ sưu tập: Phố cổ Hà Nội và Rồng Thiêng. Tại các sự kiện trên, nhiều phu nhân tổng thống các nước khi nhìn thấy Bộ sưu tập đã trầm trồ khen áo dài Việt Nam và đặt hàng của chị.
Chị Lan Hương chia sẻ, ngày đầu tiên tôi làm nghề không nghĩ đến cảm xúc sáng tạo, mà bộ sưu tập Huyền thoại Đông Hồ là cảm xúc sáng tạo đầu tiên. Sau này các bộ sưu tập làm theo lời mời, theo những sự kiện văn hóa chính trị lớn của Việt Nam. Trong đó, bộ sưu tập Rồng Thiêng là 20 bộ áo dài ghép lại thành con rồng rất lớn. Chị cũng là người đầu tiên đưa được áo dài Việt vào các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Đến nay Nhà thiết kế Lan Hương là người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú duy nhất của Việt Nam về áo dài do Bộ Công Thương phong tặng.
Sáng tạo độc đáo
Nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ: Bản thân là người được đào tạo chuyên sâu về văn hóa, tôi rất hiểu gia trị cốt lõi của giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa có sức sống lâu dài và giá trị trường tồn. Cho nên, muốn đưa những câu chuyện văn hóa lên áo dài.
Nhà thiết kế Lan Hương nhân giải thưởng thiết kế xuất sắc tại Tuần Lễ thời trang tơ lụa quốc tế Thái Lan 2022 |
Thực tế, chị đã đưa những di sản của Hà Nội, Việt Nam lên tà áo dài và giới thiệu đến các bạn bè quốc tế như: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Ô Quan Chưởng, cổng làng Vạn Phúc, cổng Làng Thụy Khuê, tranh Đông Hồ…ước mơ của chị là, qua tà áo dài bạn bè trên thế giới sẽ hiểu cả một tầng văn hóa khổng lồ của Việt Nam.
Đặc biệt áo dài của Lan Hương phải là lụa Việt và họa tiết phải được thêu bằng tay để giới thiệu đến thế giới cả một ngành công nghệ dệt lụa thủ công và thêu tay của các nghệ nhân Việt Nam. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Trong suốt 4 năm qua, nhóm thiết kế “gạo cội” là nhà thiết kế Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Lan Hương cùng với những nhà thiết kế đi tiên phong cho cậu chuyện làm về trang phục truyền thống đã có nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng hồ sơ trình UNESCO.
Nhà thiết kế Lan Hương tâm sự, để được UNESCO công nhận, áo dài Việt Nam còn rất nhiều rào cản, trước hết áo dài phải được công nhận là quốc phục, hiện nay chúng ta mới chỉ gọi là áo dài truyền thống thôi. Hơn nữa cũng đang thiếu sự cân bằng giữa áo dài nam và nữ. Trang phục cho nữ đã rất tốt rồi, nhưng áo dài cho nam đang gây nhiều tranh cãi.
Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng hồ sơ, Việt Nam phải chứng minh được áo dài đi vào cuộc sống như thế nào? người dân có nhu cầu sử dụng ra sao? Ngành nghề áo dài phải là một ngành nghề phát triển tốt mang lại giá trị về kinh tế cho xã hội. “Chính vì lẽ đó, khi Sở Du lịch Hà Nội đưa ra ý tưởng áo dài trở thành sản phẩm du lịch, đây cũng là một trong những yếu tố để làm dày hồ sơ trình UNESCO. Bởi khi áo dài trở thành sản phẩm du lịch thì tất nhiên nó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang áo dài và tạo ra giá trị kinh tế”, chị Lan Hương khẳng định.
Theo Nhà thiết kế Lan Hương, chúng ta cần phải xây dựng một quy chuẩn cho áo dài truyền thống, mọi cái sáng tạo, khác với quy chuẩn này thì là áo dài cách tân để các du khách quốc tế hay những người yêu thích thời trang áo dài trong nước nhìn nhận rõ ràng đâu là trang phục truyền thống và nó có quy chuẩn như thế nào? Đâu là trang phục truyền thống được cách tân. Đó là một trong những mấu chốt rất quan trọng cho dòng chảy lịch sử phát triển của áo dài.
“Với sự yêu thích Áo dài của người dân Việt Nam và với nhiều chương trình quảng bá trình diễn Áo dài, tôi tin rằng áo dài Việt Nam sớm được công nhân là quốc phục”, Nhà Thiết kế Lan Hương bày tỏ.
Không chỉ là sản phẩm văn hóa truyền thống, áo dài Việt Nam trong những năm qua đã làm tốt sứ mệnh là “Đại sứ văn hóa” và giờ đang tiếp tục trở thành “Đại sứ du lịch” để quảng bá văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. |