24/04/2025 08:08
Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân tộc

24/04/2025 08:08

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ định hướng chiến lược, kỳ vọng vào thế hệ trẻ có bản lĩnh văn hóa, góp phần đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ văn hóa toàn cầu.
Bài 4: Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã chia sẻ những định hướng chiến lược và kỳ vọng vào một thế hệ trẻ nói chung và nghệ sĩ trẻ nói riêng có bản lĩnh văn hóa, góp phần đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

- Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá vai trò của thế hệ trẻ nói chung và nghệ sĩ trẻ ra sao trong việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định bản sắc Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để vươn ra thế giới ngày càng mạnh mẽ hơn nữa theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, đồng thời đối mặt với nguy cơ mai một các giá trị truyền thống nếu không được gìn giữ một cách chủ động và sáng tạo.

Trên hành trình đó, thế hệ trẻ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ là người thừa kế tinh hoa di sản dân tộc mà còn là lực lượng tiên phong trong việc làm mới và lan tỏa bản sắc Việt trong đời sống đương đại.

Thực tế những năm qua cho thấy nhiều nghệ sĩ trẻ đã chủ động hướng tới cội nguồn văn hóa, học hỏi từ các nghệ nhân, khai thác chất liệu dân gian và kết hợp với tư duy sáng tạo hiện đại để tạo nên những tác phẩm vừa đậm hồn Việt, vừa gần gũi với công chúng trẻ.

Từ âm nhạc dân gian đương đại, múa đương đại, thời trang ứng dụng họa tiết truyền thống đến các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật số trên nền tảng công nghệ… tất cả cho thấy một thế hệ nghệ sĩ biết "hội nhập mà không hòa tan", giữ bản sắc trong khi vẫn đổi mới và sáng tạo không ngừng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn xác định việc đồng hành, hỗ trợ thế hệ trẻ sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua các chương trình như Festival nghệ thuật trẻ, Liên hoan văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, các trại sáng tác, dự án nghệ thuật kết nối nghệ nhân và nghệ sĩ trẻ… chúng tôi mong muốn tạo thêm nhiều không gian sáng tạo, giúp nghệ sĩ trẻ vừa khai thác sâu giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển năng lực nghệ thuật trong môi trường hội nhập quốc tế.

Trong thời đại số và công nghệ toàn cầu hóa, việc nghệ sĩ trẻ làm mới những giá trị truyền thống cần phải có nền tảng tri thức vững chắc và một tinh thần trách nhiệm sâu sắc đối với văn hóa dân tộc. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ sáng tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chú trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, kỹ năng sáng tạo cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, để họ không chỉ giỏi về chuyên môn nghệ thuật, mà còn thấm nhuần giá trị văn hóa cội nguồn và có bản lĩnh văn hóa vững vàng khi hội nhập quốc tế.

Bài 4: Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

- Để thế hệ nghệ sĩ trẻ thực sự trở thành những “chủ thể văn hóa”, không chỉ sáng tạo mà còn có khả năng truyền tải niềm tự hào dân tộc một cách sâu sắc, thuyết phục, xin Thứ trưởng cho biết cần kiến tạo những hành lang pháp lý, chính sách và môi trường phát triển như thế nào? Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện có đang xây dựng hoặc triển khai những cơ chế cụ thể nào nhằm đồng hành cùng nghệ sĩ trẻ?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Để thế hệ nghệ sĩ trẻ thực sự trở thành những "chủ thể văn hóa", không chỉ xuất sắc trong sáng tạo nghệ thuật mà còn có khả năng truyền tải sâu sắc niềm tự hào dân tộc cần thiết lập một hệ sinh thái văn hóa toàn diện.

Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, kiến tạo, khơi thông nguồn lực cho văn hóa, nghệ thuật phát triển, trong đó đặc biệt ưu tiên các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đồng hành với nghệ sĩ trẻ.

Tập trung hoàn thiện các khoảng trống về chính sách pháp luật liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn và văn học, đặc biệt chú trọng xác định vai trò của nhà nước, chính sách của Nhà nước trong việc đầu tư cho việc đào tạo, bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống, huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn;

Quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nâng cao nhận thức và vai trò đạo đức nghề nghiệp của diễn viên, nghệ sĩ; quуền sở hữu trí tuệ, quуền sáng tạо, quуền thụ hưởng; chế độ chính sách chо văn nghệ sĩ; cơ chế phát hiện, đàо tạо, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng nghệ thuật;

Quy định cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên các phương tiện, hình thức khác nhau: Trực tiếp, trên sóng truyền hình, trên không gian mạng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn; cơ chế khai thác di sản trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Thứ hai, cần triển khai các chính sách hỗ trợ thực chất cho nghệ sĩ trẻ. Mở rộng không gian sáng tạo, tổ chức các festival chuyên đề, hỗ trợ tài chính cho tác phẩm sử dụng chất liệu truyền thống.

Thứ ba, trong bối cảnh số hóa toàn diện, việc đào tạo nghệ sĩ trẻ không chỉ dừng lại ở chuyên môn mà cần tích hợp kiến thức về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sáng tạo trong môi trường số, ứng xử văn hóa trên nền tảng mạng xã hội. Một thế hệ nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh văn hóa vững vàng, có hiểu biết sâu sắc về di sản dân tộc, đồng thời thành thạo kỹ năng sáng tạo hiện đại sẽ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ, trong đó có thể kể đến các chương trình, cuộc thi, Festival nghệ thuật dành cho nghệ sĩ trẻ; các trại sáng tác, các chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, kiến thức văn hóa dân tộc và đạo đức nghề nghiệp cho nghệ sĩ trẻ; triển khai các dự án liên kết với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ nghệ sĩ trẻ… Lực lượng văn nghệ sĩ trẻ được tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật các cấp, nhất là cấp quốc gia ngày càng tăng về số lượng và nâng tầm chất lượng.

Xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa đến năm 2030, trong đó nghệ sĩ trẻ là một trong những đối tượng trọng tâm được chú trọng bồi dưỡng và phát triển toàn diện.

Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hiện Bộ đang triển khai xây dựng "Đề án Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Các bạn nghệ sĩ trẻ có vai trò rất lớn để thực hiện Đề án này trong thời gian tới.

Bộ đã phối hợp với các hội chuyên ngành, các cơ quan hữu quan kịp thời định hướng, điều chỉnh hành vi, cũng như bảo vệ nghệ sĩ trẻ khi họ gặp khó khăn về mặt pháp lý, kỹ năng tác nghiệp, "tai nạn nghề nghiệp" không may gặp phải trong quá trình thực hành nghề, nhất là trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng tích cực phối hợp với các địa phương, các hội nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghệ thuật và các tổ chức văn hóa quốc tế mở rộng không gian sáng tạo, hỗ trợ nghệ sĩ trẻ từ khâu sản xuất, trình diễn đến quảng bá tác phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng tôi tin rằng, với sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng nghệ thuật và chính mỗi nghệ sĩ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ ngày càng tự tin khẳng định vai trò "chủ thể văn hóa", tiếp nối dòng chảy truyền thống và đưa văn hóa Việt Nam vươn xa mạnh mẽ trong thế giới hội nhập toàn cầu.

Bài 4: Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

- Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp biểu dương các tác phẩm nghệ thuật mang đậm chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc. Theo Thứ trưởng, sự quan tâm, ghi nhận từ người đứng đầu Chính phủ có ý nghĩa như thế nào trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố niềm tự hào dân tộc và thúc đẩy lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ và cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo hiện nay?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Sự quan tâm và ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ đối với các tác phẩm nghệ thuật mang đậm chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc có ý nghĩa rất lớn.

Trước hết, đó là một sự khẳng định mạnh mẽ về vị thế trung tâm của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước. Khi người đứng đầu Chính phủ trực tiếp biểu dương những tác phẩm nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa, điều đó cho thấy văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần trường tồn của dân tộc mà còn là động lực nội sinh quan trọng, thúc đẩy sự bền vững và bản lĩnh quốc gia trong quá trình hội nhập.

Văn hóa với "sức mạnh mềm" đặc thù đang ngày càng được xác lập là lực lượng nòng cốt, song hành cùng kinh tế và chính trị trong việc xây dựng vị thế và thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, sự ghi nhận từ người đứng đầu Chính phủ là nguồn động viên mạnh mẽ, thắp sáng niềm tin cho giới nghệ sĩ sáng tạo, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sự thấu hiểu và tôn vinh dành cho những sáng tạo từ cội nguồn văn hóa dân tộc là nguồn động lực mạnh mẽ, giúp nghệ sĩ trẻ vững vàng hơn trên hành trình "giữ lửa" văn hóa Việt Nam; đồng thời hun đúc trong họ tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, để những giá trị Việt được tái sinh bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, hấp dẫn.

Thứ ba, những thông điệp từ Thủ tướng Chính phủ mang sức hiệu triệu mạnh mẽ, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho thế hệ trẻ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc, sự khẳng định này như một lời nhắc nhở thế hệ trẻ, chỉ bằng cách trân trọng, kế thừa và sáng tạo trên nền tảng truyền thống chúng ta mới có thể tự tin hội nhập và khẳng định tầm vóc bản lĩnh Việt Nam trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Cùng với đó, sự biểu dương từ người đứng đầu Chính phủ không chỉ là sự ghi nhận mà còn là sự định hướng mạnh mẽ cho toàn bộ chiến lược phát triển văn hóa quốc gia trong giai đoạn mới. Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa năng động, sáng tạo, hiện đại nhưng không bị "hòa tan" trong dòng chảy toàn cầu hóa. Đây là "kim chỉ nam" để các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng nghệ sĩ và toàn xã hội cùng chung sức vun đắp, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục cụ thể hóa những định hướng quan trọng đó thành các chương trình, đề án và cơ chế chính sách thiết thực. Chúng tôi tập trung hỗ trợ thế hệ nghệ sĩ trẻ trong việc mở rộng không gian sáng tạo, bảo vệ quyền lợi nghệ thuật, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và lan tỏa tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc ra khu vực và thế giới.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, cộng đồng sáng tạo và toàn xã hội, thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc, góp phần đưa bản sắc Việt ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, tự tin vươn tầm trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Bài 4: Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành, bồi dưỡng thế hệ nghệ sĩ trẻ trở thành những chủ thể văn hóa vừa có khả năng sáng tạo nghệ thuật hiện đại vừa giữ vững lý tưởng dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường hóa và công nghệ hóa đang diễn ra sâu rộng?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đồng hành, bồi dưỡng thế hệ nghệ sĩ trẻ trở thành những chủ thể văn hóa bản lĩnh vừa là trách nhiệm chiến lược vừa là mục tiêu phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025. Trong khuôn khổ Chương trình này, nhiều mô hình hoạt động đã được triển khai để tạo không gian, điều kiện cho nghệ sĩ trẻ trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành.

Trong những năm gần đây Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Đồng đội Trung ương đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều diễn đàn, sự kiện lớn như: Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới; Diễn đàn "Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu", Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu"; Liên hoan Tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc; triển khai mô hình Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ; Hành trình tuổi trẻ với biển đảo quê hương; Liên hoan hát Tiếng Anh; Liên hoan tiếng hát tuổi thơ; Liên hoan tiếng hát hoa phượng đỏ…

Các chương trình đã tạo ra rất nhiều sân chơi rất rộng lớn, tập hợp, thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, các em học sinh, sinh viên có năng khiếu nghệ thuật tham gia, được trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành. Đồng thời, thông qua các sân chơi, các diễn đàn này đã giúp cho các cơ sở đào tạo, các đơn vị quản lý văn hóa, nghệ thuật các cấp phát hiện ra những tài năng nghệ thuật khi tuổi còn rất trẻ để có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm, chấp cánh cho các em được phát triển bài bản, toàn diện.

Bài 4: Khát vọng vượt ngưỡng, sáng tạo vì tầm vóc dân
Các chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đã tạo ra rất nhiều sân chơi rất rộng lớn, tập hợp, thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, các em học sinh, sinh viên tham gia.

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Bộ chủ động tham mưu với Đoàn Thanh niên Chính phủ và Trung ương Đoàn tích cực triển khai các mô hình, hoạt động đổi mới, thu hút sự tham gia của người trẻ đến với các địa điểm văn hóa, đến các nhà hát nghệ thuật truyền thống.

Một số mô hình triển khai hiệu quả và lan toả rộng rãi tới cộng đồng như: Diễn đàn giao lưu văn hóa nghệ thuật, triển lãm ảnh giữa Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thanh niên các nước ASEAN sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chương trình "Đưa đoàn viên đến với Nhà hát nghệ thuật truyền thống", chương trình "Sinh hoạt chính trị giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên qua điện ảnh cách mạng Việt Nam"… tạo dấu ấn và lan tỏa tích cực trong xã hội.

Về phía Trung ương Đoàn, với vai trò là tổ chức đại diện cho thế hệ trẻ, giữ vai trò định hướng lý tưởng sống, giá trị đạo đức và tinh thần yêu nước cho thanh niên, Đoàn chính là lực lượng tiên phong trong việc nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khích lệ thế hệ nghệ sĩ trẻ sống đẹp, sống có trách nhiệm và sáng tạo vì cộng đồng. Đoàn cũng là cầu nối quan trọng giúp nghệ sĩ trẻ gắn bó sâu sắc với đời sống xã hội, để sáng tạo nghệ thuật không chỉ vì nghệ thuật mà còn vì trách nhiệm với đất nước và cộng đồng.

Chúng tôi kỳ vọng với sự đồng hành chặt chẽ, trách nhiệm và sáng tạo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn, thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẽ không chỉ làm giàu kho tàng nghệ thuật Việt Nam bằng những sáng tạo hiện đại mà còn trở thành những người giữ lửa, truyền cảm hứng văn hóa Việt trong thời đại hội nhập toàn cầu, góp phần khẳng định tầm vóc bản lĩnh Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.

- Thứ trưởng có thông điệp gì gửi đến thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay - những người đang nỗ lực "giữ lửa" văn hóa dân tộc?

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bác Hồ đã từng căn dặn: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mỗi người trẻ nói chung và mỗi nghệ sĩ trẻ nói riêng hãy xác lập cho mình những mục tiêu và khát vọng "vượt ngưỡng" thật mạnh mẽ hơn nữa. Nghệ sĩ được xem như một trong những giới tinh hoa nhất, sáng tạo nhất, giàu khát vọng nhất nên không có lý do gì có thể cản bước con đường nghệ thuật mà các bạn đã chọn.

Hãy biến ước mơ, khát vọng thành những sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao mang tầm vóc và hơi thở thời đại, phản ánh được chiều sâu "trầm tích văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc', đưa văn hóa hóa, nghệ thuật Việt Nam đến gần hơn nữa với bạn bè năm châu.

Mỗi nghệ sĩ trẻ hãy bằng niềm đam mê và sức sáng tạo của mình, 'như con ong chuyên cần xây tổ, giữ hương thơm mật ngọt cho đời", tích tụ nhiều dòng nước mát tinh khiết hòa vào lòng đại dương mênh mông để dệt cho đời nhiều hơn nữa hoa thơm, trái ngọt, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, quan tâm kiến tạo môi trường, không gian hoạt động rộng lớn, bồi đắp lý tưởng sống, truyền thống văn hóa, lịch sử, kiến thức pháp luật và bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ được rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành./.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thực hiện: Nhóm phóng viên

Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Vinh danh 35 cá nhân, tập thể phát triển văn hóa đọc

Vinh danh 35 cá nhân, tập thể phát triển văn hóa đọc

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh 35 cá nhân, tập thể tiêu biểu có đóng góp tích cực đối với công tác phát triển văn hóa đọc năm 2024.
Chuyển đổi số:

Chuyển đổi số: 'Cánh tay nối dài' văn hoá nông thôn

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã trở thành một “cánh tay nối dài” hữu hiệu, giúp cộng đồng lan toả những giá trị văn hoá nông thôn đặc trưng.
Bài 1: Văn hóa Việt

Bài 1: Văn hóa Việt 'viral' trong thời đại 4.0

Một thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam đang miệt mài giải "bài toán" gìn giữ truyền thống, văn hóa dân tộc bằng chính ngôn ngữ sáng tạo của họ.