Thứ tư 13/11/2024 13:48
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6:

Nơi để trở về, nơi để yêu thương

Cùng nhau lên nương, cùng nhau xuống chợ, cùng nhau chăm sóc con cái… là những hình ảnh phổ biến ở đại đa số các gia đình ở vùng DTTS. Cuộc sống dù đã có nhiều đổi thay, nhưng sự yêu thương, kính trên nhường dưới vẫn được duy trì dưới mỗi nếp nhà…

Văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình

Những câu chuyện như chồng chỉ ở nhà uống rượu, một mình người vợ lên nương, làm rẫy; hay chồng đi chợ uống rượu say, vợ phải đứng che ô giữa trời nắng để đợi chồng… thực tế vẫn còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc, tuy nhiên các trường hợp này là rất hiếm.

Cùng nhau xuống chợ - hạnh phúc giản dị của gia đình đồng bào Mông ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

Giờ đây, lên với bản làng vùng cao, không khó để bắt gặp hình ảnh 2 vợ chồng cùng lên nương, xuống chợ. Vào quán ăn, chồng gắp thức ăn cho vợ. Đi mua bán, chồng xách túi, bế con thay vợ để vợ chọn đồ… Thậm chí, tại nhiều hộ gia đình người dân tộc Mông, nhà có khách, người chồng sẽ chủ động vào bếp nấu nướng. Thay vì để vợ mang vác nặng, giờ đây, nhiều gia đình đã tích cóp mua xe máy để chuyên chở nông sản, giảm bớt gánh nặng trên vai người phụ nữ. Với đồng bào Hà Nhì, tập quán “con dâu không được ăn cơm cùng mâm với bố chồng và phải ăn cơm đứng” có từ trăm năm nay - nay cũng đã được chính những người bố mẹ chồng, hay người chồng chủ động xóa bỏ…

Tại những ngôi nhà gỗ thấp thoáng nơi bản xa, trong những hộ gia đình có 3 - 4 thế hệ sống chung, sự hòa thuận, gắn bó, kính trên nhường dưới cũng rất dễ nhận thấy. Những bài học, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kỹ năng ứng xử vẫn được người già truyền lại cho con cháu bằng các câu nói, cách ví von sâu sắc mà dễ hiểu. Với các dân tộc như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Ê đê, Ba na… người già luôn được coi là kho tàng kinh nghiệm, được con cháu rất nể trọng. Bản thân người già cũng luôn có ý thức là phải sống tốt để làm gương cho con cháu. Trẻ đến tuổi phải được đến trường – giờ cũng trở thành chuyện hiển nhiên ở cả những bản, làng xa xôi, khó khăn.

Gia đình tốt để có cộng đồng đoàn kết

Dù khác nhau về ngôn ngữ, trang phục, tập quán… nhưng bất kỳ dân tộc nào, ở vùng miền nào, những người không biết kính trọng cha mẹ, không biết chăm sóc con cái, có lối sống không lành mạnh (nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp…) đều bị cộng đồng lên án.

Đặc biệt hơn, nhiều bản, làng, thôn xóm còn có hương ước, quy ước riêng nhắc nhở về những nguyên tắc ứng xử trong gia đình, ứng xử giữa gia đình với cộng đồng. “Lệ làng” này cũng là mối ràng buộc, nhắc nhở mỗi cá nhân, gia đình về ý thức xây dựng gia đình hòa thuận, góp phần làm nên một cộng đồng đoàn kết. Làm trái với những quy định của thôn, bản, đồng nghĩa với việc cá nhân đó tự cô lập mình giữa một cộng đồng đang hướng tới một đời sống tích cực.

Bên cạnh những nguyên tắc ứng xử mang tính “lệ làng”, các gia đình nói chung, gia đình đồng bào DTTS nói riêng, giờ đây còn bị điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Chăm sóc, giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Đây cũng chính là những cơ sở pháp lý để mỗi gia đình có ý thức hơn trong việc tôn trọng, chăm sóc nhau và chủ động chăm lo, giáo dục con cái. Đặc biệt, với Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình được thành lập ở nhiều địa phương, đã và đang góp phần không nhỏ để lên án, ngăn chặn các trường hợp người chồng/người bố say xỉn, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ/con.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, xã, huyện văn hóa… cũng là yếu tố quan trọng để chính quyền các địa phương dành sự quan tâm hơn nữa, thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hình thành môi trường cộng đồng văn minh, tiến bộ và đoàn kết.

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trước những tác động của các thiết bị công nghệ, những ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội đang lan truyền đến vùng DTTS, giữ được một gia đình yên ấm, hạnh phúc chính là cách tốt nhất để cùng xây dựng một cộng đồng no ấm và an toàn.

P.V

Tin cùng chuyên mục

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống

Những nghệ nhân nhí 'giữ hồn' cho văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Xây dựng mô hình sản xuất giỏi tại huyện miền núi A Lưới