Đến giờ nhổ thu hoạch, nông dân chờ dài cổ để được thương lái mua hành tím |
Nông dân lỗ nặng
Xã Nhơn Hải là “thủ phủ” chuyên sản xuất giống cây hành tím của tỉnh Ninh Thuận. Toàn xã có 45 ha trồng hành tím, mỗi năm sản xuất 2 vụ (mùa nam và mùa bấc). Trong vụ nam năm nay, do hạn hán, nên bà con chỉ xuống giống 40ha/160ha. Chăm sóc khoảng 55 ngày thì thu hoạch, nhưng hầu hết nông dân trồng rất lo lắng vì giá thấp và tư thương không muốn thu mua.
Bình quân mỗi sào hành vụ nam, nông dân đầu tư 350 kg giống, năng suất bình quân khoảng 1,8 tấn/sào/vụ. Nông dân Phạm Hải ở thôn Mỹ Tường 1, than vãn: Vụ này, gia đình trồng 4 sào (4.000m2), đầu tư hơn 60 triệu đồng (chưa tính công chăm sóc), nhưng giờ giá thấp, thương lái không thu mua, nên chấp nhận thua lỗ và chỉ còn cách nhổ hành để lấy giống trồng vụ bấc vào tháng 11 sắp tới.
Cạnh đó, hộ ông Nguyễn Hữu Phong đầu tư 20 triệu đồng trồng 1,4 sào hành. Giờ đã thu hoạch một phần diện tích, nhưng do rớt giá thê thảm, nên anh quyết định nhổ hành để cất giữ, đợi thị trường tăng giá mới bán.
Nông dân ở đây cho biết, mùa thu hoạch vụ nam năm trước, tư thương thu mua hành khô làm giống với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg, nay giảm xuống còn 14 nghìn đồng/kg.
Khuyến cáo chuyển đổi cây trồng
Hành tím là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Hải, năm nay, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên niên vụ hành năm nay các hộ chỉ xuống giống gần 40ha. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm, nhưng giá ngày càng giảm nhiều, người trồng hành gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, không chỉ có cây hành, nhiều loại cây hoa màu khác như ớt, ngò… cũng rớt giá thê thảm.
Tiêu thụ không được, nông dân đành để hành tím củ làm giống trồng sang vụ bấc |
Lý giải tại sao cây hành tím năm nay rớt giá mạnh như vậy, ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải chỉ ra: Do giá thấp và thương lái địa phương không thu mua, nên các hộ trồng rất vất vả đi tìm nơi tiêu thụ. Thêm nữa, do vài năm gần đây, nông dân ở các tỉnh khác đã chủ động được nguồn giống, nên không mua giống hành ở xã Nhơn Hải để sản xuất như nhiều năm trước.
“Trước thực tế khó khăn đó, xã đã khuyến cáo các hộ tổ chức lại sản xuất cho hợp lý, trong đó, tập trung vào trồng vụ chính (vụ bấc từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), thu hẹp diện tích sản xuất vụ nam theo nhu cầu của thị trường để gia tăng giá trị kinh tế trên đất sản xuất”, ông Trần Đồng Linh nhấn mạnh.