Ninh Bình: Cải thiện thu nhập nhờ OCOP
Gốm Bồ Bát tạo dựng được thương hiệu nhờ sao OCOP |
Để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đẩy mạnh tiêu thụ, năm 2019, Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) quyết định làm sản phẩm OCOP và trở thành một trong 9 chủ thể đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Nhờ đó, công ty đã được tư vấn, hỗ trợ sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí về an toàn cho người tiêu dùng và các yếu tố đảm bảo môi trường. Đặc biệt, công ty còn được tư vấn, hỗ trợ thiết kế bao bì, kiểu dáng, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác... đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Với sự hỗ trợ đó, sản phẩm của công ty hiện đã đạt tiêu chí xuất khẩu ra nước ngoài và được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Phạm Văn Vang - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát - cho biết, ngay sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, hiệu ứng thị trường đối với các sản phẩm của công ty tốt hơn, nhiều khách hàng đã biết đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nhờ vậy, công ty tự tin hơn trong việc hoạch định phát triển theo đúng phân khúc thị trường.
Cũng nhờ được gắn sao OCOP, doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 của công ty ước đạt trên 3 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng – ông Phạm Văn Vang thông tin.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trong hơn 2 năm qua, các chủ thể đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong mọi khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, bài bản ngay từ bắt đầu, giúp các sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp tại địa phương từng bước hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn nhiều hạn chế do sản phẩm đặc trưng của tỉnh có tiềm năng, nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Ngoài ra, dù đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nhưng thực tế, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn; khó khăn trong vấn đề đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào; tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quảng bá và giới thiệu sản phẩm… Trình độ quản lý của các hộ sản xuất, kinh doanh còn yếu; mối liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo.
Để tạo hiệu quả tốt nhất từ việc thực hiện Chương trình OCOP, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định phát triển sản phẩm tiềm năng; tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; hỗ trợ xây dựng website quảng bá thương hiệu… tạo ra sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn, đáp ứng đúng Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Hiện, Ninh Bình có 12 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 10 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 sao. Sản phẩm được xếp hạng đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. |