Chủ nhật 22/12/2024 22:06

Những bài học không bao giờ cũ

Những bài học kinh nghiệm mà đồng chí Lê Đức Thọ đã để lại trong lĩnh vực này cho tới hôm nay vẫn còn rất có ích, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ.

Là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng ta, đồng chí Lê Đức Thọ (1911-1990) đã có những cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng trong những năm tháng đầy khó khăn, phức tạp của công cuộc xây dựng và chiến đấu của Đảng và nhân dân ta; vì sự sinh tồn của chế độ, vì nền độc lập tự do và phát triển của đất nước những thập niên cuối thế kỷ XX. Những bài học kinh nghiệm mà đồng chí đã để lại trong lĩnh vực này cho tới hôm nay vẫn còn rất có ích, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ.

Nghiêm khắc và chân tình

Đồng chí Nguyễn Đình Hương (1930-2020), nguyên Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, người từng được làm việc gần gũi với đồng chí Lê Đức Thọ từ năm 1956 cho tới những ngày sau cuối của nhà lãnh đạo Đảng xuất sắc này, đã đúc kết được những nét nổi bật của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác cán bộ. Trước hết, đó là "tính quyết đoán cao, dám chịu trách nhiệm, không trần trừ, tránh né và cũng dám nhận cái sai về phía mình, không đổ lỗi cho người khác". Đồng chí Lê Đức Thọ thường tâm sự: "Làm công tác cán bộ đã khó nhưng hiểu cán bộ lại là điều khó hơn. Theo đồng chí, như các cụ ta vẫn nói, "thức lâu mới biết đêm dài", không phải lúc nào tổ chức cũng kịp thời hiểu hết được mọi khía cạnh của đội ngũ cán bộ đang có". Và vì thế, theo đồng chí Lê Đức Thọ: "Nói chung đánh giá cán bộ đúng 70 - 80% cũng là tốt rồi. Bởi vì, trong thực tế đã diễn ra có cán bộ khi chưa có quyền lực thì khác, khi đã có quyền lực rồi mới bộc lộ hết khuyết tật: có cán bộ trong điều kiện thuận buồm xuôi gió thì không sao, song khi không được thỏa mãn ham muốn thì lại buồn phiền, bất mãn, oán trách tổ chức…". Tất nhiên, đối với những cán bộ thuộc diện chủ chốt nhất trong Bộ Chính trị hay các đồng chí chủ trì cơ quan cấp cao của nhà nước, thì không thể áp dụng tỷ lệ 70 - 80% được, mà phải chắc chắn đến trăm… linh một phần trăm. Thực tế cho thấy, khi còn sơ sảy - dù nhỏ nhất - trong vấn đề này, tất yếu sẽ gây nên những hậu quả vô cùng to lớn và đau đớn cho chế độ, đất nước…

Cũng theo lời kể của đồng chí Nguyễn Đình Hương, trong công tác tối quan trọng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ luôn luôn "làm việc rất tập trung, không phân tán". Bởi lẽ, đồng chí cho rằng, "nếu việc gì cũng làm, thì chẳng có việc gì làm đến nơi đến chốn". Vào những dịp chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ thường dành hầu như 70 - 80% thời gian cho công tác tổ chức Đảng. Và ngay cả đã cố gắng như vậy thì đồng chí có lúc cũng phải tâm sự với những cán bộ thân thiết nhất của mình rằng: "Rất tiếc, tập trung làm đến như vậy mà còn có sai sót…".

Đồng chí Nguyễn Đình Hương cũng nhận xét rằng, đồng chí Lê Đức Thọ có tác phong làm việc rất cụ thể, sát thực tế, chứ "không chỉ nghe qua cơ quan chức năng báo cáo". Và khi có vấn đề gì quan trọng, nhất định phải trực tiếp đến kiểm tra tận nơi, cụ thể từng người liên quan.

Là một nhà lãnh đạo nắm vị trí cao trong Đảng, lại đảm đương trách nhiệm to lớn trong công tác tổ chức cán bộ, đồng chí Lê Đức Thọ biết kết hợp hài hòa bản tính thẳng thắn, bộc trực đối với cán bộ với lòng nhân ái rất cần có của người cộng sản. Đồng chí Nguyễn Đình Hương kể: "Khi có dư luận về chuyện này chuyện khác thì Anh mời lên hỏi và nói thẳng. Anh thường nhắc nhở anh em chúng tôi là phải khách quan, trung thực và thương yêu cán bộ, không được nói điều xấu của cán bộ với người khác khi không có mặt người cán bộ đó. điều tối kỵ đối với cán bộ làm công tác tổ chức là yêu nên tốt, ghét nên xấu. Khi Anh được Trung ương phân công làm công tác tổ chức, điều đầu tiên là chọn cán bộ làm Phó Trưởng ban. Có những lúc cân nhắc ba, bốn người mới chọn một. Anh ghét nhất là tính nói dối, không trung thực, trước mặt cán bộ chỉ nói tốt cho được lòng, vắng mặt thì lại nói khác, kể cả trong cuộc sống hàng ngày, nếu cán bộ không trung thực thì được giao chức vụ lãnh đạo sẽ rất không tốt. Anh thường nhấn mạnh tới tính trung thực của cán bộ, kể cả người giúp việc cho Anh".

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (1922-2008), đã có lần nhớ lại về đồng chí Lê Đức Thọ: "Anh Sáu Thọ... rất thương cán bộ, nhưng cũng hết sức nghiêm khắc với những lỗi lầm của họ. Anh không nể nang dung dưỡng những điều sai trái của cấp dưới. Chính vì thế những người khi phạm phải sai lầm khuyết điểm thường hay ngao ngán trước chiếc "búa" của anh. Tôi thích phong cách này của anh Sáu Thọ. Thật vậy, trong dân gian từ xưa đã lưu truyền câu châm ngôn hay: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng"… Cũng theo lời kể của đồng chí Võ Văn Kiệt: "Trong thời gian công tác ở chiến trường miền Tây, trong cán bộ chúng tôi, có người đã đặt cho anh Sáu Thọ cái biệt danh "Sáu Búa". Mỗi khi nghe cách gọi đùa vui theo kiểu Nam bộ, mọi người thường thấy anh chỉ thản nhiên cười xòa. Anh Sáu Thọ là một cán bộ lãnh đạo vốn sống chan hòa, tình cảm, gắn bó với anh em và là người dễ gần, dễ xáp. Đối với những đồng chí có mối quan hệ thân tình, Anh thường cư xử rất tự nhiên, như gọi bằng cậu, bằng thằng trong khi chuyện trò với một số cán bộ thuộc bậc đàn em của mình".

Có điều kiện được làm việc ở cự ly gần với người thủ trưởng của mình trong nhiều năm, đồng chí Nguyễn Đình Hương đã nhận xét: "Đồng chí Lê Đức Thọ rất nghiêm khắc với sai lầm, nhưng lại rất bao dung độ lượng đối với cán bộ đã thành khẩn nhận sai lầm. Có cán bộ bị kỷ luật mà hoàn cảnh gia đình có khó khăn, Anh nhắc nhở Ban Tổ chức giúp đỡ, không vì cán bộ phạm khuyết điểm mà xa lánh, không quan tâm đến cuộc sống của họ. Anh thường dặn là làm cách nào để ngăn chặn cán bộ phạm sai lầm mới là tốt, còn để cho cán bộ phạm sai lầm phải xử lý thì chẳng hay gì. Có những việc rất nhỏ mà tôi còn nhớ mãi: Đó là những cán bộ khi được giao chức vụ thì chị vợ thường lợi dụng cương vị của chồng để làm những điều không hay, gây tai tiếng; ngoài việc trực tiếp gặp cán bộ để nhắc nhở nếu cần, Anh thường bảo chúng tôi một năm phải gặp các chị đó và nhắc nhở khéo để các chị giữ uy tín cho chồng".

Những trăn trở còn nguyên giá trị

Viết về đồng chí Lê Đức Thọ, cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (1912-201) đánh giá: "Anh, một nhà tổ chức lâu năm của Đảng, đã có công đóng góp quan trọng cho Đảng về đường lối chung; đồng thời xây dựng đường lối, chính sách tổ chức và cán bộ của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Trong công tác cán bộ, Anh là người có tính quyết đoán trong sắp xếp, bố trí và đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước đáng tin cậy, đảm bảo mục tiêu chiến lược của Đảng. Anh nắm vững tâm tư, nguyện vọng, khuyết, nhược điểm của các thế hệ cán bộ, tạo được một đội ngũ cán bộ kế thừa cho các giai đoạn chung. Rất nghiêm khắc đối với sai lầm khuyết điểm, nhưng Anh cũng rất khoan dung, chân tình khuyên răn, nhắc nhở, và thương yêu cán bộ. Công lao của Anh là chủ yếu…".

Cũng rất cần phải nói rằng, ngay từ năm 1986, chính đồng chí Lê Đức Thọ trong hội nghị tổ chức cho Đại hội VI của Đảng ngày 27/4 đã thẳng thừng và đau xót nêu ra thực trạng xuống cấp trong công tác cán bộ rất cần được xử lý một cách căn cơ và căn bản: "… Lúc này là lúc phẩm chất trong Đảng ta sa sút nhất, trong Đảng ta hình thành một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi không muốn rời chỗ đứng của mình, vì rời thì mất quyền lợi; thậm chí thắc mắc nghỉ hưu rồi khi chết có được quốc tang hay không, sẽ được nhiều hay ít vòng hoa vì dư luận thường hay chú ý vòng hoa nhiều hay ít. Thậm chí còn thắc mắc sẽ được chôn ở nghĩa trang nào?… Kỷ luật đảng viên còn lỏng lẻo, không ai nghe ai… Về phong cách làm việc thì nghị quyết không ai thi hành, kể cả Bộ Chính trị, gia trưởng trong Đảng… thích nghe những lời hợp ý mình, chủ quan, làm cho dưới không thấy sai sót, sợ bị trù dập. Dân chủ trong Đảng không còn, cấp dưới nói sao vừa ý cấp trên sinh ra nịnh hót,… báo cáo sai ghê gớm…". Theo đồng chí, nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hiện tượng như thế trước hết là: "Công tác chính trị tư tưởng, đặc biệt là từ năm 1981 đến nay rất kém, ngày càng đuối. Công tác tuyên truyền, phát thanh, xuất bản cũng ăn hối lộ….". Và, nguyên nhân tiếp theo tối quan trọng: "Công tác tổ chức rất kém, giao quyền phân cấp không rõ ràng, thực chất là buông lỏng, đào tạo không đến nơi đến chốn… Quản lý cán bộ buông lỏng, quản lý cán bộ mà xem nhẹ quản lý gia đình. Cán bộ mà vợ con buôn lậu, con đi tù mà cơ quan không nắm. Chính sách cán bộ tùy tiện…".

Đó có lẽ cũng là những điều mà đồng chí Lê Đức Thọ đã luôn canh cánh trong lòng, cho tới tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.

Hồng Thanh Quang
Bài viết cùng chủ đề: Đảng Cộng sản Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy: Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 3: Khát vọng hùng cường, thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc: Kỳ 2: Khai mở dư địa tiềm năng

Hiện thực hóa khát vọng vươn mình đi tới phồn vinh, hạnh phúc

Đào tạo, phát triển cán bộ trẻ - lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng hướng tới mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng

Kỳ 2: Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Kỳ 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm”

Lai Châu: Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm xâm phạm an ninh quốc gia

“Tuần lễ Vàng” – dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Di chúc của Bác mãi mãi đồng hành cùng dân tộc

Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng: Soi chiếu từ Quy định số 144-QĐ/TW

Giải pháp phòng, chống hoạt động ‘xâm lăng văn hóa’ đối với nước ta

Lan tỏa tinh thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bộ mặt thật của Việt Tân từ cái gọi là 'hội luận kinh tế thị trường ở Việt Nam'

Bài 5: Đạo pháp bất ly thế gian pháp

Bài 4: Tư cách của tín đồ phải đứng sau nghĩa vụ công dân

Bài 3: Quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về Phật giáo

Bài 2: Họ xa rời Phật pháp chân chính, trái đời ngược đạo

Chấn chỉnh những sai lệch để Phật giáo tốt đời đẹp đạo: Bài 1: Khi thuyết giảng xuyên tạc phá hoại đức tin