Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách đúng đắn về Phật giáo ở Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo
Bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa về giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội vào điều kiện Việt Nam và với đức khoan dung tôn giáo của mình, đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những chỉ dẫn đặc sắc về đoàn kết tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Với uy tín của mình, Người đã thuyết phục tổ chức “Phật giáo Cứu quốc” - tổ chức tôn giáo đầu tiên và duy nhất trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tham gia Mặt trận Việt Minh (hoặc Việt Minh, được thành lập tại Pác Bó, Cao Bằng), ngày 19/5/1941 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đó và theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5/1941), nhằm mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Các Phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia” để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái và Mặt trận Việt Minh và để cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam. Lễ khai mạc cử hành chiều ngày 5/1/1946. Như vậy, cả trước và sau Cách mạng, Phật giáo luôn đồng hành với dân tộc, với Đảng và Nhà nước ta.
Với tình cảm cá nhân và đại diện cho Đảng cùng Chính phủ cách mạng, trong “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam”, ngày 15/7 âm lịch (tức ngày 30/8/1947), Người viết: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử.
Nhằm giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách đúng đắn về Phật giáo ở Việt Nam. |
Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ mở mang” (1). Người còn tố cáo tội ác của thực dân Pháp mưu toan phá tan Đạo Phật: “Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật. Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” (2).
Đồng thời, Người cảm ơn những đóng góp của Phật giáo đối với cách mạng và kêu gọi, động viên đồng bào theo Phật giáo tiếp tục cố gắng để cống hiến nhiều hơn nữa: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra muốn đoàn kết những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau và với những người không theo tín ngưỡng tôn giáo, phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích toàn dân lên trên hết, đồng thời quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo, trong đó có Phật giáo. Phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo với việc lợi dụng tín ngưỡng vì lợi ích cục bộ, vị kỷ; phân biệt đức tin chân chính của quần chúng với việc các phần tử phản động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng.
Vì vậy, trong bài “Hội nghị đại biểu toàn quốc” bù nhìn, Người vạch mặt mưu đồ đen tối của giặc Pháp và tổ chức Phật giáo theo giặc: “Giặc Pháp muốn dùng “dân chủ” giả hiệu cũng như “độc lập” giả hiệu, để lừa bịp nhân dân ta, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới. Đồng thời chúng muốn tô son điểm phấn cho bù nhìn, để nâng cao “danh giá” của bù nhìn. Vì lẽ đó, tháng 10 vừa qua, chúng đã bày trò hề “hội nghị đại biểu toàn quốc”. Bọn hề ấy chỉ từ trong xó các vùng tạm bị chiếm mà rúc lên, chúng đã dùng lậu chữ “toàn quốc”. Chúng (do bọn ngụy quyền chỉ định) là những tên đê hèn nhất trong bọn đê hèn, chứ chẳng “đại biểu” cho ai hết. Chúng đã cả gan rêu rao là chúng “đại biểu” cho nhân dân Việt Nam. Nhưng “trâu buộc ghét trâu ăn” (Trong hai ngày, chúng chén hết 2.700 cái bánh mì thịt và 5.646 chai rượu các loại). Những bọn “trâu buộc” là: Hội Phật giáo bù nhìn,...” (4).
Với tình cảm chân thành, trong “Thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp Lễ đức Phật Thích Ca thành đạo”, ngày 8/1/1957, Người viết “Trong dịp này tôi mong các vị tăng ni và đồng bào tín đồ đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hoà bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước. Cuối cùng tôi chúc các vị luôn luôn mạnh khoẻ, tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hoà bình” (5).
Người còn thường xuyên tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy khi chúng khủng bố, đàn áp Phật giáo để bảo vệ lực lượng cho cách mạng: “Về việc khủng bố Phật giáo - Các chùa chiền bị đốt phá. Hàng nghìn sư sãi và tín đồ bị đánh đập, bắt bớ, giam cầm. Ngoài số tín đồ bị giết chết, 6 vị hòa thượng đã tự đốt mình để chống lại chế độ Mỹ - Diệm. Bọn Diệm ba hoa tuyên bố: "Sự khác biệt giữa chính phủ và Phật giáo đã được giải quyết và mọi bên đã được hài lòng". Hòng lừa bịp dư luận, tổng Ken đã tuyên bố: "Mỹ chống tất cả mọi sự áp bức ở miền Nam Việt Nam". Ngay trong lúc thầy trò Mỹ - Diệm ba hoa tuyên bố như thế, thì hòa thượng Thích Quảng Hương (Hòa thượng Thích Quảng Đức) đã tự thiêu mình. Trước khi hy sinh, hòa thượng Quảng Hương đã viết thư cho Diệm, nói rằng: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi giải quyết những yêu cầu chính đáng của chúng tôi". Và viết thư cho ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc U Than, nói rằng: "Tôi chết để phản đối chính quyền bạo ngược của Ngô Đình Diệm" (6).
Với tình cảm trước sau như một, vì “Thư gửi hội nghị đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, bức thư cuối cùng Người gửi cho tổ chức tôn giáo, Người viết: “Các vị tăng ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dịp này tôi thân ái gửi lời chúc mừng Hội nghị thành công tốt đẹp. Nhân đây, chúng ta tỏ lòng đoàn kết với đồng bào Phật giáo ở miền Nam đang hăng hái tham gia cuộc đấu tranh yêu nước và chống đế quốc Mỹ xâm lăng. Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: "Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha" (tức: Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người, quên mình vì người khác - BT). Chúc toàn thể tăng ni và đồng bào Phật giáo góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (7). Những chỉ dẫn quý báu trên của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta có quan điểm và chính sách về Phật giáo ở Việt Nam.
Quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về Phật giáo
Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ rất sớm Đảng ta đã chỉ rõ mưu toan lợi dụng để chia rẽ Phật giáo với Đảng, giành giật tín đồ Phật giáo của thực dân Pháp. Vì vậy, Nghị quyết chính trị của đại biểu đại hội (congrès) lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935) chỉ rõ: “Cuộc vận động phổ biến và mở rộng tôn giáo như: đại biểu Hội nghị chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, lập trường dạy đạo Phật ở Cao Miên, cải lương đạo Phật, khuếch trương đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, cuộc tuyên truyền của một bộ phận lãnh tụ đạo Cao Đài giả bộ cổ động phản đế và cho rằng đạo Cao Đài là cộng sản chủ nghĩa hoà bình (?), là những mưu mô của đế quốc lấy mê tín che lấp tư tưởng giai cấp tranh đấu, để kéo quần chúng ra khỏi đường cách mạng tranh đấu” (8).
Không những vậy, Đảng ta còn vạch mặt bọn cha đạo theo đuôi giặc Pháp để chống phá Chính phủ ta: “Tình hình công giáo gần đây xảy ra nhiều việc rắc rối đặc biệt ở mấy nơi trong Khu 2 và Khu 3: Bọn cha cố phản động phản tuyên truyền chửi Việt Minh là cộng sản, kéo Phật giáo chống mình, tổ chức tự vệ canh gác nhà thờ, gây những vụ giết người cướp của, giết và bắt cán bộ Việt Minh, biểu tình chống công an. Những vụ này xảy ra ở Kim Sơn (Ninh Bình), ở Hải Hậu (Nam Định) cũng có những vụ biểu tình của giáo dân, giết người và vu cho là phá tôn giáo. Những hành động phá trật tự trên không khỏi có sự âm mưu của Pháp nhúng vào. Khu 3 bọn cha cố phản động cũng vin vào một vài sự sai lầm của cán bộ Việt Minh cổ động giáo dân chống Chính phủ” (9).
Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền dân chủ và pháp luật của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Baogiacngo |
Đến khi Đế quốc Mỹ giúp sức Pháp xâm lược Việt Nam, chúng ra sức lợi dụng Phật giáo để chống phá ta, vì vậy, Đảng ta nhận định: “Song song với việc lợi dụng Công giáo, giặc Pháp và Mỹ đang tích cực lợi dụng cả Phật giáo. Ở vùng tự do thì nhân những sai lầm, khuyết điểm của ta ở vài nơi như dồn đình chùa, dồn tượng thần Phật để dùng đình hay chùa làm trường học, nên giặc cũng thừa cơ cho tay chân phá phách một số chùa, tượng Phật (như ở Thanh Hoá), do đó đã làm cho một số sư sãi và tín đồ Phật giáo oán ta, bất mãn với ta. Ở Khu 4, địch đã lôi kéo được những tên sư như: Tuệ Chiêu, Tuệ Quang,... để gây một phong trào sôi nổi trong tín đồ Phật giáo đòi sửa chữa đình chùa, bảo vệ Phật và lập ra các tổ chức Thanh niên Phật tử, Nhi đồng Phật tử, Đoàn tín nữ,... nhằm mục đích làm cho tín đồ Phật giáo hoài nghi, chán nản, xa rời kháng chiến... Ở trong vùng tạm bị kiểm soát, giặc đang cho gây lại một phong trào tu tại gia và hàng ngày giặc cho cầu kinh ngay trên đài phát thanh để đẩy mạnh việc tuyên truyền Phật giáo. Chúng nêu cao Hội Phật giáo quốc tế họp ở Côlômbô và tung ra khẩu hiệu: liên tôn chống cộng” (10).
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ta đã có chủ trương và chính sách đúng đắn, do đó “Đối với phong trào Phật giáo mà địch gây ra, ta đã đối phó có kết quả. Nhân các vụ sư sãi phản động gây chuyện đánh người, tuyên truyền chống thuế nông nghiệp, chống việc đi dân công, chống Chính phủ, ta đã bắt những tên đầu sỏ như Tuệ Chiêu, Tuệ Quang. Chúng đã cung khai ra việc liên lạc với Pháp và tay sai của Pháp như Tô Liên, đã nhận có tuyên truyền chống thuế nông nghiệp, tuyên truyền cho dân công đào ngũ. Ngoài những chứng cớ chúng đã nhận, nhân dân đã tố cáo thêm những mưu mô và hành động phi pháp của bọn phản động này.
Tóm lại, nhờ việc nắm vững chính sách mặt trận của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng, các đảng bộ đã giữ vững được đoàn kết lương giáo, và vạch cho đồng bào tôn giáo thấy rõ âm mưu thâm độc của giặc và một phần nào đả phá được chính sách lợi dụng tôn giáo của giặc” (11).
Quan điểm nhất quán của Đảng ta đó là: “Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời đẹp đạo”” (12). Nhất quán với quan điểm đó, trong Nghị quyết chuyên đề đầu tiên - Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (Số 25-NQ/TW), ngày 12 tháng 3 năm 2003, Về công tác tôn giáo, Đảng ta chủ trương: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước” (13).
Bước sang thời kỳ mới, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (14). Thể chế hóa những quan điểm trên của Đảng, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã ban hành chính sách đối với tôn giáo. Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, trong 6 công việc cấp bách của đất nước bàn tại hội nghị có vấn đề tôn giáo đã được đề cập đến.
Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Đây là tuyên bố đầu tiên rất quan trọng của Nhà nước ta về chính sách đối với tôn giáo. Sau đó Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng là một trong năm quyền cơ bản của công dân (tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước và đi ra nước ngoài). Với việc tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp năm 1946 đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trong phạm vi cả nước.
Sau năm 1954, trong điều kiện đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 31 tháng 12 năm 1959, Quốc hội nước ta đã xây dựng và thông qua hiến pháp mới. Điều 46 Hiến pháp năm 1959 đã tiếp tục khẳng định rõ hơn quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Kế thừa Hiến pháp năm 1959, Điều 60 Hiến pháp năm 1980 đã bổ sung: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Cùng với việc khẳng định những nguyên tắc cơ bản đối với tôn giáo trong Hiến pháp, Nhà nước ta đã thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo qua những văn bản quy phạm pháp luật như Sắc lệnh số 234/SL, ngày 14 tháng 6 năm 1955 - Sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tôn giáo do Chủ tịch Hồ chí Minh ký và ban hành. Trong Chương I, mang tính nguyên tắc - Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, Sắc lệnh số 234 ghi rõ: “Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền dân chủ và pháp luật của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các nhà tu hành và tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm nghĩa vụ của người công dân… Luật pháp sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những điều trái pháp luật”.
Ngoài những nguyên tắc chung, Sắc lệnh số 234 còn quy định cụ thể đối với những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của các tôn giáo; đối với ruộng đất của các tôn giáo; mối quan hệ giữa chính quyền nhân dân với các tôn giáo. Sắc lệnh số 234 được thực hiện đến sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, tiếp sau đó được thay thế bằng Nghị quyết số 297/NQ-HĐBT, ngày 11/11/1977 về một số chính sách đối với tôn giáo của Hội đồng Chính phủ. Kế thừa tư tưởng của Sắc lệnh số 234, Nghị quyết số 297 nêu rõ 5 nguyên tắc của chính sách tôn giáo là:
1) Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân;
2) Các nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân;
3) Các tôn giáo và mọi công dân theo đạo hoặc không theo đạo đều bình đẳng trước pháp luật;
4) Các tôn giáo phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật và chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình;
5) Những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập của Tổ quốc, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, chống lại chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ bị luật pháp nghiêm trị.
Bước sang thời kỳ đổi mới, trong Nghị định 69/NĐ-CP, Nghị định 26/NĐ-CP và Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định những nguyên tắc của chính sách tôn giáo trong thời kỳ đổi mới là: Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân, nghiêm cấm sự phân biệt, đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng; mọi công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân; mọi hoạt động mê tín, dị đoan được bài trừ, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập dân tộc, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (Luật số: 02/2016/QH14) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, tại Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quy định rõ:
1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Như vậy, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai, Đảng và Nhà nước ta có quan điểm, chính sách đúng đắn về Phật giáo ở Việt Nam bằng những quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật cụ thể, bảo đảm đồng bào có đạo “phần xác no ấm, phần hồn thong dong” như kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện đầy đủ, chu toàn quyền, nghĩa vụ công dân (phần đời) và phụng sự tôn giáo (phần đạo); trong đó: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, làm cho Phật giáo Việt Nam ngày càng xứng đáng là một tôn giáo của sự từ bi và trí tuệ với giáo lý vô ngã vị tha, cứu khổ độ sinh của nhà Phật, thực hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, vận động tăng, ni, phật tử trong cả nước tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, vận động cứu trợ nhân đạo, giúp người già cả neo đơn, trẻ em mồ côi, tàn tật với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, đây là những việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực. Tất cả những điều đó thể hiện rõ Phật giáo Việt Nam là tôn giáo luôn gắn đạo và đời, sát với thực tế và luôn đồng hành với dân tộc, là tôn giáo có truyền thống yêu nước gắn bó với dân tộc”. (15)
Du nhập vào Việt Nam từ hơn hai nghìn năm trước, với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân” phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo. “Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất nước ta, có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, xây dựng hạnh phúc của con người và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam” (16); qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chú thích: (1) (2) (3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.228; tr.228; tr.228-229 (4) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, tr.362 (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 10, tr.473 (6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 14, tr.176 (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 14, tr.383 (8) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr.14 (9) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 8, 2000, tr.308 (10) (11) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 14, 2001, tr.108; tr.110 (12) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 55, 2015, tr.405 (13) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 62, 2016, tr.62 (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171. (15) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 61, 2016, tr.1052-1053. (16) Dẫn theo: Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX khai mạc trọng thể, Báo Quân đội nhân dân điện tử, truy cập ngày 28/11/2022, https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/dai-hoi-dai-bieu-phat-giao-toan-quoc-lan-thu-ix-khai-mac-trong-the-712342 |