Nhiều thông tin ‘đáng suy ngẫm’ tại lễ công bố doanh nghiệp Top VALUE500
65,5% doanh nghiệp nhận thấy lợi ích khi đầu tư vào hình ảnh thương hiệu
Chiều 12/12, tại Hà Nội, Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam (VALUE500); Top 10 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam 2024 (VALUE10); Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE500); Top 50 nhà tuyển dụng ưa thích nhất 2024 (MAE50); Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm (VBW10).
Ông Trương Minh Tiến - Giám đốc Viet Research - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: NH |
Theo ông Trương Minh Tiến - Giám đốc Viet Research: Đây là năm thứ ba liên tiếp, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư tiếp tục nghiên cứu và công bố Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2024 (VBE500) và Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024 (VBW10) các ngành ngân hàng - tài chính - bảo hiểm; bán lẻ; công nghệ thông tin - viễn thông; thực phẩm - đồ uống; logistics; bất động sản - xây dựng - vật liệu xây dựng,...
Đây là chương trình nghiên cứu thường niên trên phạm vi toàn quốc nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp lớn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực và sáng tạo. Đồng thời, danh sách Top 50 nhà tuyển dụng ưa thích nhất 2024 được công bố nhằm vinh danh các doanh nghiệp xuất sắc có tên trong bảng xếp hạng VBE500 trong suốt 3 năm liên tiếp.
“Các bảng xếp hạng không chỉ là sự công nhận cho những nỗ lực của doanh nghiệp, mà còn là minh chứng cho uy tín và sức hấp dẫn của các doanh nghiệp đối với nhân tài trong và ngoài nước” - ông Trương Minh Tiến thông tin.
Kết quả khảo sát nhanh các doanh nghiệp của Viet Research cho thấy, có 65,5% doanh nghiệp nhận định rằng, đầu tư vào hình ảnh thương hiệu giúp tạo sự khác biệt và thu hút ứng viên tiềm năng. Một thương hiệu uy tín không chỉ khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường lao động, mà còn góp phần giữ chân nhân viên bằng việc tạo ra môi trường làm việc tích cực và bền vững.
Trong khi đó, hơn 80% doanh nghiệp VALUE500 ưu tiên thực hiện phát triển bền vững bằng cách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh lên môi trường.
“Trong vòng 3 năm tới, 75,9% doanh nghiệp dự đoán rằng, các chính sách môi trường và phát triển bền vững sẽ có ảnh hưởng lớn đến phương thức làm việc của người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp nhận thức rõ ràng việc tích hợp các yếu tố bền vững không chỉ giúp hạn chế tác động lên môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng” - báo cáo nghiên cứu của Viet Research nêu rõ.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư - cho rằng: Điều đáng mừng trong hoạt động doanh nghiệp năm nay đó là, dù phải thích ứng với môi trường biến động, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang theo đuổi các giá trị phát triển bền vững từ quản trị, chuyển đổi số gắn với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quan tâm tới trách nhiệm xã hội, từ môi trường làm việc tới cung cấp thêm những giá trị vượt trội cho khách hàng. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời tác động tích cực tới thị trường lao động khi các nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn cao vẫn được chào đón, các lao động lành nghề vẫn được các nhà máy công xưởng tuyển dụng nhiều.
Công bố Top 10 doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam năm 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm. Ảnh: NH |
Doanh nghiệp cần chủ động ứng biến trước những biến động
Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề nhân sự trong khuôn khổ lễ công bố, ông Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - đã chỉ rõ một số xu thế lớn trên toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay, trong đó nổi bật là sự biến động khôn lường của kinh tế - xã hội và môi trường kinh doanh, xu thế toàn cầu hoá, sự trỗi dậy của khu vực châu Á, vấn đề đô thị hoá, già hoá dân số, cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững…
Để có thể phát triển bền vững được trong bối cảnh có nhiều biến số khôn lường có thể xảy đến, theo ông Vũ Minh Khương, doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biến động mang tính bước ngoặt, trong đó, nhân sự tài năng chính là giải pháp doanh nghiệp cần quan tâm thu phục.
Cũng liên quan đến câu chuyện phát triển bền vững, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệuvà cạnh tranh - cho rằng: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cuộc “cách mạng” về công nghệ đang được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây. “Nhưng tính cách mạng cao nhất của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số lại không phải là công nghệ mà đó là thể chế, vì nó tạo ra một cách vận hành khác hẳn trước đây, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, cách thức, lối sống và quản trị doanh nghiệp” - TS Võ Trí Thành khẳng định và cho rằng: Xu hướng người tiêu dùng hiện nay đòi hỏi sản phẩm xanh, an toàn, nhân văn và các mô hình kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là mệnh lệnh của thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng nếu muốn đáp ứng được yêu cầu mới của xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: NH |
Tại sự kiện, chuyên gia kinh tế trưởng Công ty Tư vấn Mekong Economics - TS. Adam McCarty - cho rằng: Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rằng, các nền kinh tế thu nhập cao đòi hỏi tỷ lệ lao động có kỹ năng cao, điều này được coi là thách thức đối với Việt Nam bởi nguồn lao động có chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế.
Các giải pháp cốt lõi được TS Adam McCarty đưa ra, bao gồm: Chuyển từ nền giáo dục cơ bản vững chắc sang phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao; chuyển từ các hoạt động lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động sang các hoạt động có giá trị cao thâm dụng kỹ năng và công nghệ. Muốn làm được như vậy, cần xây dựng trên nền tảng của lực lượng lao động có tay nghề cao, tạo ra năng suất vượt trội.