Thứ hai 28/04/2025 23:20

Nhiều lợi ích từ chế biến sâu khoáng sản

Thời gian qua, Viện Khoa học vật liệu (KHVL) - viện chuyên ngành lớn nhất Việt Nam - đã tham gia nhiều đề tài về chế biến sâu khoáng sản. Các đề tài này đã được hoàn thành và đưa vào ứng dụng trong sản xuất với những lợi ích thiết thực.
Sử dụng công nghệ thiết bị trong chế biến khoáng sản góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường

Thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Viện KHVL đã tham gia chủ trì 4 đề tài cấp nhà nước về chế biến sâu khoáng sản.

Cụ thể, Viện đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến khoáng chất tan vùng Phú Thọ làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ceramic, sơn, dược phẩm và hóa mỹ phẩm”, kết quả xác lập được 5 quy trình công nghệ chế biến sâu khoáng tan. Đề tài đã hoàn thành nghiệm thu và đang được cơ sở phối hợp lên kế hoạch triển khai ứng dụng sản xuất thử nghiệm để sớm đưa vào thực tiễn sản xuất. Với công nghệ không phức tạp, kết quả của đề tài có thể triển khai ứng dụng để tuyển quặng tan thành sản phẩm có thể thương mại hóa với giá thành cạnh tranh.

Với Đề tài “Nghiên cứu thu hồi gali và vanadi trong quá trình sản xuất alumin từ quặng bauxit Tây Nguyên”, đã xây dựng được quy trình thu hồi gali và vanadi từ quá trình sản xuất alumin tại Tân Rai với hiệu suất khá cao, cụ thể khoảng 80% đối với gali và 95% đối với vanadi; đồng thời xây dựng được quy trình điện phân chế tạo gali kim loại, với độ tinh khiết tới 98-99%. Qua quá trình thực hiện đề tài, một số kết quả đã được ứng dụng vào thực tiễn, chứng minh hiệu quả kinh tế - xã hội của quy trình và triển vọng mở rộng thị trường ứng dụng hoặc phát triển kết quả nghiên cứu.

Viện cũng đã tiến hành nghiên cứu công nghệ điều chế kim loại đồng và niken điện phân từ quặng sunfua đa kim Bản Phúc Sơn La”. Kết quả đã đề ra quy trình công nghệ tuyển quặng xâm tán với tổng hàm lượng đồng và niken hàm lượng 5-6% niken, có thể làm nguyên liệu nghiên cứu tinh luyện niken bằng các công đoạn và phương pháp khác nhau. Đề tài cũng đã xác định được quy trình thiêu oxy hóa tinh quặng; quy trình công nghệ chế tạo bán sản phẩm sten từ tinh quặng phối trộn thiêu… Đặc biệt, đề tài đã xây dựng được quy trình chuyển hóa bột sten thành các sản phẩm oxyclorua dễ hòa tan trong điều kiện môi trường áp suất và nhiệt độ thường.

Bằng việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới, hiện đại vào các công trình, dự án đã từng bước làm thay đổi tư duy của các nhà quản lý, vận hành các đơn vị trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo hướng sử dụng công nghệ thiết bị nâng cao hiệu quả thu hồi, sử dụng tài nguyên và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Kết quả nghiên cứu thủy luyện đồng ở Đề tài “Nghiên cứu công nghệ điều chế kim loại đồng điện phân từ quặng sunfua đồng mỏ Sao Tua - Sơn La” đã được triển khai áp dụng vào sản xuất thử nghiệm chế tạo ra sản phẩm sunfua đồng từ quặng có độ sạch cao, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, làm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tạo môi trường cho nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm sunfua đồng đã bắt đầu được thương mại hóa. Quy trình công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam cho phép triển khai ứng dụng thuận lợi vào sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm đồng sản xuất theo quy trình mới được bảo đảm với chất lượng cao và giá thành hợp lý, cho phép cạnh tranh và thay thế hàng nhập ngoại trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo đánh giá, việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã giúp Viện KHVL triển khai nghiên cứu các công nghệ chế biến sâu khoáng sản với kết quả khả thi cho việc áp dụng vào sản xuất thử nghiệm để tiến tới ứng dụng vào sản xuất. Đặc biệt, Viện đã xây dựng được 2 quy trình công nghệ hoàn toàn mới, cho phép chế biến sâu 2 loại quặng kim loại chiến lược là niken và đồng, phù hợp với các điều kiện tài nguyên, môi trường và địa hình đồi núi của Việt Nam.

Hồng Dương