Nhiều lễ hội diễn ra trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”
“Ngày Văn hóacác dân tộc Việt Nam” là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời nhận diện các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, vận dụng sáng tạo thực hành văn hóa nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản vì mục tiêu chấn hưng văn hoá, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của khoảng 200 đồng bào các dân tộc |
“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2023 với sự tham gia của khoảng 200 đồng bào, 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Trong đó, khoảng 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Dân tộc Mường (Hòa Bình); dân tộc Thái (Sơn La); dân tộc Khơ Mú (Nghệ An); dân tộc Mông (Hà Giang); dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên); dân tộc Dao (TP. Hà Nội); dân tộc Tà Ôi, dân tộc Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); dân tộc Ba Na, dân tộc Gia Rai (Gia Lai); dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum); dân tộc Raglai, dân tộc Chăm (Ninh Thuận); dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk); dân tộc Khmer (Sóc Trăng).
Bên cạnh đó huy động thêm khoảng hơn 100 đồng bào tham gia sự kiện: 30 người dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk); 20 người dân tộc Khmer (tỉnh Sóc Trăng); 30 người dân tộc Mạ (tỉnh Lâm Đồng); 30 người dân tộc Thái (tỉnh Thanh Hoá). Các nhà Khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ…
Trong khuôn khổ “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2023 có các nhóm hoạt động chính, gồm: Diễn đàn văn hóa với chủ đề: “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; Triển lãm giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về văn hoá các tộc người.
Nhiều lễ hội diễn ra trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam |
Đặc biệt đến với “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” du khách có dịp tìm hiểu nhiều lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc (Tái hiện nghi lễ nông nghiệp truyền thống “Mang lúa về kho” (Nhô Yàng kòi) của dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng; Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; Tái hiện Lễ Chá mùn của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa…); Tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng.
“Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” cũng là dịp để đồng bào các dân tộc du khách được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.