Nhiều địa phương đã chủ động hỗ trợ lãi suất cho nông dân tiếp cận vốn phát triển nông nghiệp |
Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho Công ty CP Muối Cam Ranh để DN này vay vốn từ NHTM nhằm thu mua tạm trữ 14.000 tấn muối cho diêm dân tại địa phương.
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, để thực hiện đề án trên, tỉnh Khánh Hòa sẽ trích một phần ngân sách địa phương hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 1 năm đối với Công ty Muối Cam Ranh. Đồng thời Chi nhánh Agribank Khánh Hòa sẽ tiến hành cho DN vay 12 tỷ đồng để công ty đủ vốn mua hết lượng muối tồn đọng.
Kể từ khi phê duyệt đề án tới nay, Agribank Khánh Hòa đang làm thủ tục giải ngân vốn. Trong khi đó DN đã thu mua được khoảng 6.000 tấn muối bằng nguồn vốn tự có của mình. Với giá thu mua khoảng 650.000 đồng/tấn (cho muối bạt) và 520.000 đồng/tấn (cho muối đất), hiện diêm dân đã có lãi so với tháng trước.
Việc HTLS cho DN vay vốn thu mua tạm trữ muối như cách làm của tỉnh Khánh Hòa ở trên cho thấy nếu địa phương chủ động đầu tư thì hiệu quả kêu gọi vốn xã hội luôn ở mức rất cao. Cụ thể, bằng đề án của mình, ngân sách tỉnh Khánh Hòa chỉ phải trích ra khoảng 720-800 triệu đồng nhưng đã có thể giúp DN vay dễ dàng nguồn vốn lớn gấp 15 lần. Từ nguồn vốn này, DN có thể giúp hàng ngàn hộ dân có lãi 15-20 triệu đồng từ cánh đồng muối của mình.
Trước Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện chính sách HTLS cho DN, HTX tiếp cận vốn vay. Những thống kê của Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 6/2015, với chính sách HTLS nhằm khuyến khích chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, ngân sách địa phương chỉ phải bỏ ra khoảng 250 tỷ đồng, tuy nhiên đã huy động được trên 6.686 tỷ đồng từ xã hội. Trong đó huy động từ nguồn vốn vay các NHTM khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay có HTLS, từ 2011 đến nay, các quận huyện tại TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra việc làm cho khoảng hơn 40.000 lao động, trong đó có trên 5.100 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo.
Tương tự, ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL như Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang… chính quyền địa phương cũng đã mạnh dạn bỏ vốn HTLS cho DN và nông dân vay vốn. Mới đây tại tỉnh Đồng Tháp, với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp tập trung phát triển 5 nhóm hàng hóa chính là: lúa gạo, cá tra, xoài, cây hoa cảnh và vịt; địa phương này đã tiên phong thí điểm chính sách hỗ trợ 50% lãi suất khi vay vốn thuê đất để tăng quy mô sản xuất và san bằng mặt ruộng. Hiện đã có một số HTX nông nghiệp tại huyện Tam Nông được thụ hưởng từ chính sách này với mức hỗ trợ khoảng 612 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Nhờ sự HTLS, một số HTX lớn như HTX Tân Cường đã có thể vay được hàng chục tỷ đồng từ các NHTM để tham gia chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo tại địa phương. Đồng thời HTX này cũng đã vay đủ nguồn vốn để san bằng mặt ruộng trên diện tích 126 ha để thành lập cùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Như vậy, với những hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương, các DN, HTX và nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay, qua đó hiệu quả sản xuất được cải thiện tốt hơn.