Nhiều cơ sở tư thục tham gia đào tạo chuyên ngành Luật
Đào tạo luật là một yếu tố then chốt trong việc phát triển hệ thống pháp lý. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo luật góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Tại toạ đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh vừa diễn ra chiều ngày 29/9, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội cho biết, sau hơn 45 năm phát triển, số lượng các cơ sở đào tạo luật tăng lên đáng kể. Ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo tư thục tham gia vào đào tạo luật, trong đó có 28 cơ sở đào tạo luật tư thục trên tổng số 79 cơ sở đào tạo luật cả nước đào tạo đúng ngành (chiếm 35,4%).
Về quy mô đào tạo cử nhân luật, số liệu thống kê đến 31/12/2023, có 124.169/2.207.100 sinh viên, số sinh viên học hệ đại học chính quy, chiếm 62,2% so với tổng số sinh viên học cơ sở đào tạo cử nhân luật.
Về đào tạo sau đại học, theo số liệu năm học 2024-2025, có 39 cơ sở đào tạo luật trình độ thạc sĩ và 10 cơ sở đào tạo luật có đào tạo trình độ tiến sĩ. Hiện tại, chỉ cơ sở đào tạo công lập mới có ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và đều là các trường có truyền thống về đào tạo luật.
Toạ đàm về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh vừa diễn ra chiều ngày 29/9. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, sự tham gia của khối ngoài công lập ngày càng tăng, theo thống kê đến 31/12/2023, có 19 cơ sở đào tạo luật ngoài công lập có đào tạo trình độ thạc sĩ (chiếm 48,7%) với quy mô 1.439 học viên, chiếm 17,4% quy mô học viên thạc sĩ luật của cả nước.
Theo đánh giá, chương trình đào tạo luật chưa chú trọng nhiều đến khía cạnh thực hành; quy trình cấp phép hành nghề chưa được chuẩn hóa một cách hệ thống và đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của ngành nghề. Việc phân tách giữa cơ sở đào tạo luật cấp văn bằng cử nhân (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý) và cơ sở đào tạo nghề luật (do bộ chuyên ngành quản lý) dẫn tới thiếu sự thống nhất và liên thông trong đào tạo luật.
Đội ngũ giảng viên còn hạn chế về số lượng, chuyên môn và nghiên cứu khoa học; nhiều giảng viên có nền tảng học thuật tốt nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong ngành luật, ảnh hưởng đến khả năng truyền đạt các kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Về sản phẩm đầu ra, so sánh giữa các đơn vị chuyên ngành luật và sử dụng nhân sự ngành luật thì các đơn vị chỉ sử dụng nhân sự ngành luật có mức hài lòng cao hơn ở tất cả các tiêu chí so với các đơn vị chuyên ngành.
Tọa đàm nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo luật cần hoàn thiện các quy định về đào tạo luật, bao gồm quy định về mở ngành đào tạo luật; chuẩn cơ sở giáo dục đại học; chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật.
Tăng cường các điều kiện bảo đảm để đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo luật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, trong đó có các cơ sở đại học có đào tạo ngành luật để chủ động phát triển về quy mô, cơ cấu đào tạo.
Nâng cao chất lượng đào tạo luật từ phía cơ sở đào tạo, trong đó đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn; đồng thời tăng các môn học kỹ năng và thực hành.
Tập trung đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cử nhân luật: nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết bị giảng dạy; tăng cường sử dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và khuyến khích giảng viên tham gia các hoạt động thực tiễn.