Hành động vì một hành tinh xanh
Sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022 đã diễn ra từ 20h30 đến 21h30, Thứ Bảy, ngày 26/3/2022. Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh, Giờ Trái đất không được tổ chức như mọi năm, mà tập trung truyền thông qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, trong 1 giờ hưởng ứng tắt đèn, tại các đường phố chính của Hà Nội và nhiều địa phương khác, rất nhiều tòa nhà và đèn chiếu sáng trong các gia đình đã được tắt.
Đánh giá về sự hưởng ứng của người dân sau khi thực hiện chiến dịch, bà Phạm Thị Cẩm Nhung – Quản lý chương trình khí hậu và năng lượng, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho biết, ngày từ khi bắt đầu vào Việt Nam năm 2009, Giờ Trái đất được đồng hành cùng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường khi mới chỉ có 6 tỉnh thành tham gia. Nhưng đến nay cả 63 tỉnh thành đều tham gia hành động.
Ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức đã chủ động tham gia vào sự kiện Tắt đèn và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất (Ảnh tư liệu) |
“Những năm đầu thực hiện Giờ Trái đất, ban tổ chức gồm WWF và hai Bộ chủ trì đã mang thông điệp truyền thông cho người dân, doanh nghiệp, truyền thông cho xã hội. Đến nay, có thể thấy, Giờ Trái đất đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều thành phần tham gia. Đặc biệt, nhiều tổ chức, đơn vị đã quay lại hỏi chúng tôi phải làm gì để hưởng ứng Giờ Trái đất. Điều này cho thấy, từ việc nâng cao nhận thức, đến nay người dân và doanh nghiệp đã chủ động hành động, chủ động hưởng ứng Giờ Trái đất. Đó là thay đổi lớn mà Giờ Trái đất đã mang lại trong những năm vừa qua” – bà Nhung bày tỏ.
Chia sẻ về thông điệp của Giờ Trái đất năm nay, theo bà Nhung, với thông điệp “Kiến tạo tương - Bây giờ hoặc không bao giờ”, kêu gọi chúng ta hãy hành động trong 4 lĩnh vực: Năng lượng, rừng, tiêu dùng và thực phẩm. “4 lĩnh vực đều tạo cho mọi người cơ hội để hành động. Khi chúng ta hành động thì có thể tạo ra thay đổi lớn cho hành tinh, trái đất của chúng ta, vì một hành tinh xanh” – bà Nhung nhấn mạnh.
Cụ thể, thông điệp của Giờ Trái đất trong 4 lĩnh vực được đại diện WWF Việt Nam chỉ ra, đầu tiên là chọn đúng đối thủ trong việc tiêu dùng thực phẩm. Thứ hai, là đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Thứ ba là phải đẩy lùi diệt chủng, bằng cách không sử dụng các sản phẩm hoang dã bất hợp pháp. Thứ tư là phục hồi bền vững các khu rừng. Đây chính là thông điệp của giờ trái đất năm nay.
Thông tin thêm về ý nghĩa của 60+, bà Nhung cho hay, 60 chính là 60 phút tắt đèn, còn 60+ đó chính là ngoài 60 phút đó, chúng ta có thể hành động để bảo vệ trái đất, bảo vệ hành tinh. Ngoài tắt các thiết bị điện, chúng ta có thể hưởng ứng bằng các hành động như hưởng ứng trồng 1 tỷ cây xanh, phục hồi những khu rừng bị tàn phá và nhiều hành động khác…
Bên cạnh đó, đại diện WWF Việt Nam mong muốn sẽ ngày càng có nhiều bạn trẻ, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong xã hội tham gia hưởng ứng Giờ Trái đất. Không còn chỉ trong 1 giờ nữa mà trải dài hàng năm. Qua hàng năm sẽ có thêm nhiều tổ chức, cộng đồng được biết đến để chung tay bảo vệ hành tinh, bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Công Thương, bằng nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, đến nay, ngày càng nhiều người tham gia vào sự kiện Tắt đèn và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất cho thấy ý thức của người dân, doanh nghiệp về vấn đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Hằng năm, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, tổ chức hoạt động tự nguyện đã chủ động tham gia hưởng ứng Chiến dịch như: Tổ chức truyền thông, tuyên truyền, ký thỏa thuận tự nguyện về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền về chiến dịch đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Điển hình, là một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng Giờ Trái đất năm nay, đơn vị quản lý hàng 100 dự án bất động sản trên cả nước - Savills đã đồng hành cùng chiến dịch tích cực.
Cụ thể, trong khuôn khổ chiến dịch, Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills đã gửi thông báo cho quý cư dân về sự kiện tắt đèn Giờ Trái đất 2022 từ 20h30 – 21h30 ngày 26/3 thông qua ứng dụng cư dân thông minh Property Cube và các nền tảng quảng cáo công nghệ số tại những dự án quản lý bởi Savills. Theo đó, cư dân tại các toà nhà do Savills quản lý đều đồng loạt thực hiện.
Từ hiệu quả của phương thức trên, doanh nghiệp quản lý bất động sản này kỳ vọng, sự kiện sẽ lan tỏa thông điệp của WWF, tạo ra tác động mạnh đến cộng đồng. Với khả năng tiếp cận khoảng 300.000 cư dân và 1 triệu người tại 100 dự án quản lý khắp cả nước, Savills mong muốn hỗ trợ WWF trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tinh thần sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính được lan tỏa.
Việc ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên tuyền về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. |
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của con người và xã hội là tất yếu và trong 2 năm qua đã cho thấy, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng trở nên phổ biến.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới, hoạt động cũng như áp dụng tối đa sự phát triển của các loại hình công nghệ mới để thu hút sự chú ý, thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hành động đơn giản, đặc biệt tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo vì một Trái đất xanh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Giờ Trái Đất là một sự kiện rất có ý nghĩa. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm phát thải methan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. Cam kết mạnh mẽ trên đã khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.