Loạn “cô đồng online”
Gần đây, VTV đã phát sóng đoạn phóng sự điều tra với tiêu đề “Truyền bá mê tín dị đoan từ chiêu trò xem bói qua bát nước” khiến dư luận rất quan tâm. Qua tìm hiểu, người này có tên là Q.P. xưng danh là "cô đồng bát nước", là “Hoàng Thiên ân đức” tự nhận được "tiên thánh giao" cho sứ mệnh đặc biệt nhờ khả năng nhìn thấu đời người từ những giọt nước dưới đáy bát.
Trung bình một ngày, "cô đồng bát nước" xem cho hàng chục khách, mỗi khách đặt lễ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, mục đích chính cô đồng này hướng tới đó là làm lễ hầu đồng mở phủ với chi phí lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Cô đồng Q.P thường xuyên đăng tải view xem số mệnh, xem trước tương lai và thu hút được nhiều lượt xem trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Được biết, cuối tháng 5/2024, cô đồng này đã từng bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Dẫu vậy, lợi nhuận khổng lồ nên cô đồng vẫn tiếp tục hành nghề bất chấp những cảnh báo từ chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, sự việc "cô đồng bát nước" nêu trên cũng tương tự như hành vi của “cô đồng bổ cau” Trương Hương ở tỉnh Hải Dương với cụm từ “đúng nhận, sai cãi”. Không chỉ dừng lại ở đó, trên mạng xã hội, ngày càng nhiều các “cô đồng online” với nhiều danh xưng mỹ miều như “cô đồng xem hoa hồng trắng”, “cô đồng ngửi cau”...
Nguy hiểm hơn, ngày 28/10 vừa qua, theo thông tin từ Công an Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Thu Trang, hay còn được gọi là “cô đồng” Phan Thu Trang, tự xưng là thầy bói và sử dụng nhiều tài khoản Facebook như “Phan Thu Trang”, “Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang” để đăng tải nội dung quảng cáo dịch vụ bói toán.
Sau khi “mua chuộc” lòng tin, hù dọa người xem bói bằng nghệ thuật tâm linh của mình, Trang đã liên tục có những hành vi thôi thúc họ phải chuyển tiền để tổ chức lễ giải hạn. Tính đến nay, Công an xác định Phan Thị Thu Trang đã lừa hơn 28 tỷ đồng và có hơn 40 người là nạn nhân của “nữ thầy bói” này đến trình báo.
Có thể nói, tình trạng loạn “cô đồng online” đang gây ảnh hưởng tiêu cực nhất định với một bộ phận người dùng mạng. Nhiều người tiền mất tật mang vì tin tưởng những cô đồng này.
Nâng cao nhận thức cho người dân về hành vi lừa đảo, mê tín dị đoan
Dưới góc nhìn pháp lý, chia sẻ với Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho biết: “Việc đăng tải các video xem trước số mệnh, tiên đoán tương lai trên mạng xã hội có thể bị coi là vi phạm pháp luật tại Việt Nam nếu vi phạm các quy định về hoạt động mê tín dị đoan hoặc lợi dụng để lừa đảo, trục lợi”.
Theo Luật sư Bình, pháp luật Việt Nam quy định, việc thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan như bói toán, xem tử vi, đoán mệnh... có thể bị xem là hành vi vi phạm nếu nhằm mục đích: Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu các hoạt động này lợi dụng niềm tin của người khác để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về hành vi lừa đảo, xuyên tạc, gây ảnh hưởng tiêu cực.
Đăng tải nội dung bói toán, đoán mệnh có thể bị coi là vi phạm nếu chứa nội dung sai sự thật hoặc gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; kinh doanh dịch vụ trái phép. Theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi lợi dụng mạng xã hội để truyền bá các nội dung mê tín dị đoan, mê tín có thể bị xử phạt hành chính, đặc biệt nếu người đăng tải thu phí hoặc kinh doanh dịch vụ này mà không có giấy phép hợp lệ.
Tùy mức độ, các hành vi này có thể bị xử phạt hành chính (phạt tiền) hoặc trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Để ngăn chặn các hoạt động bói toán, xem trước số mệnh của các "cô đồng online" trên mạng xã hội, Luật sư Bình khuyến nghị, có thể triển khai một số biện pháp.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cần ban hành và bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để quản lý và xử lý các hành vi mê tín dị đoan trực tuyến. Các quy định nên nêu rõ các mức xử phạt cụ thể đối với hành vi bói toán, mê tín trên mạng xã hội, đặc biệt khi có yếu tố lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Thứ hai, tăng cường giám sát và xử phạt. Các cơ quan quản lý nên giám sát chặt chẽ các nền tảng mạng xã hội và kịp thời phát hiện, xử lý các tài khoản đăng tải nội dung mê tín dị đoan. Đồng thời, phạt nặng các cá nhân vi phạm, bao gồm việc khóa tài khoản và phạt tiền để tạo tính răn đe.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cộng đồng. Chính phủ và các tổ chức xã hội nên đẩy mạnh việc tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ tác hại của mê tín dị đoan và tránh xa các dịch vụ bói toán online. Các chương trình giáo dục về luật pháp, văn hóa và hậu quả của mê tín có thể giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và ngăn chặn sự phát triển của các hoạt động này.
Cuối cùng, phối hợp với các nền tảng mạng xã hội. Nhà nước nên phối hợp với các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok... để rà soát và gỡ bỏ những nội dung vi phạm về mê tín dị đoan, bói toán. Yêu cầu các nền tảng này áp dụng cơ chế báo cáo và xử lý nhanh các nội dung phản cảm, giúp ngăn chặn việc phát tán nội dung vi phạm.
Để giúp người dân tránh bị cuốn vào các trào lưu xem bói online trên mạng xã hội, Luật sư Bình khuyến cáo người dân cần hiểu rõ tác hại của mê tín dị đoan nhận thức rằng mê tín dị đoan không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến tinh thần và quyết định trong cuộc sống. Nhiều người vì tin vào bói toán đã đánh mất cơ hội tốt hoặc đưa ra các quyết định sai lầm.
Tiếp đó, người dân cần hiểu rõ các mánh khóe của bói toán online, bói toán online thường sử dụng những câu nói chung chung hoặc đánh vào tâm lý lo âu, sợ hãi để thu hút người xem. Hãy cảnh giác trước những nội dung cố tình tạo sự lo lắng hoặc kích động cảm xúc để kéo người xem vào "bẫy" tư vấn trả phí.
“Hãy tìm kiếm nguồn tư vấn đáng tin cậy thay vì tin vào những người tự nhận là "cô đồng", "thầy bói" trên mạng, hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tâm lý, người có uy tín, hoặc đơn giản là trao đổi với gia đình, bạn bè để có những góc nhìn thực tế và hỗ trợ hữu ích cho vấn đề cá nhân”, Luật sư Bình cho hay.