EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung Dự báo thời tiết ngày mai 6/11/2024: Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục mưa lớn trên 300mm |
Công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày qua, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Dự báo từ ngày 06 tháng 11 năm 2024, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày, nguy cơ ngập úng lớn tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Tiếp theo Công điện số 8804/CĐ-PCTT ngày 3/11/2024 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương (PTDS, PCTT&TKCN), để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại khu vực miền Trung, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng tại các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó với mưa lũ, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại sớm nhất có thể phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Đồng thời, EVN chỉ đạo các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các sự cố thiên tai; nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Công Thương ra Công điện về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn tại khu vực miền Trung |
Đối với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, Bộ Công Thương yêu cầu đơn vị này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.
Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Huy động tối đa lực lượng phối hợp chặt chẽ với các Công ty điện lực tại địa phương trong công tác khắc phục sự cố hệ thống điện.
Tham mưu, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị điện lực và các đơn vị khác liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ ứng phó mưa lũ và khắc phục các sự cố do bão gây ra để sớm cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tạo điều kiện tối đa để các đơn vị điện lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24h, giữ liên lạc thông suốt để kịp thời báo cáo về các tình huống sự cố do mưa lũ gây ra; triển khai công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra các hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương thông tin kịp thời cho người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ, nhất là tình huống xả lũ khẩn cấp theo quy trình.
Chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.
Đối với các chủ đập thuỷ điện, Bộ Công Thương yêu cầu: Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ, tăng cường việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du. Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ tự do, tổ chức theo dõi chặt chẽ, thông báo dự kiến thời gian mực nước qua tràn đến các địa phương, nhân dân vùng hạ du, các đơn vị có liên quan để chủ động ứng phó. Phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố liên quan tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước khi sản xuất, đi lại tại các khu vực sông, suối hạ du các nhà máy thủy điện. Tổ chức quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ đảm bảo dự báo được lưu lượng lũ về hồ, xác định thời gian xuất hiện đỉnh lũ. Chủ động cung cấp thông tin, báo cáo, đề xuất đảm bảo quy định tại quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình mưa, lũ khu vực miền Trung; tổ chức trực ban 24/24h và tập trung mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra; nghiêm túc thực hiện các nội dung Công điện này; định kỳ trước 17h hàng ngày gửi báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng thường trực PCTT&TKCN Bộ Công Thương tại địa chỉ email: [email protected].