Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1&3 |
Đảm bảo điện cho kinh tế phía Nam.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2019, sản lượng điện tiêu thụ khu vực miền Nam gồm: 21 tỉnh thành phía Nam và TP. Hồ Chí Minh đạt 98,7 tỷ kWh, chiếm 47,11% sản lượng điện của EVN cũng như cả nước (209,5 tỷ kWh). Khu vực được đánh giá có quy mô, tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước, nhu cầu nguồn điện hàng năm tăng khoảng 8%.
Nhu cầu tiêu dùng điện cao, nhưng khu vực miền Nam cóđiều kiện tự nhiên là đồng bằng, không có núi, địa hình trên cao do vậy không thể xây dựng các Nhà máy thủy điện có công suất lớn, để tự cung cấp đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế; nguồn điện chủ yếu được cung cấp từ các Nhà máy thủy điện và Nhiệt điện khu vực miền Bắc, miền Trung vào, thông qua hệ thống lưới điện Truyền tải đường dây 500kV, suất đầu tư lớn; tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải cao chiếm 2,15 (%) dẫn đến nguy cơ sự cố hệ thống lưới truyền tải 500kV làm gián đoạn nguồn cung cấp là rất cao (ví dụ một sự cố lưới điện đường dây 500kV vào 22/5/2013 do cẩu cây, đã làm gián đoạn cung cấp điện 21 tỉnh thành phía Nam và TP. Hồ Chí Minh; năm 2019 cháy rừng khu vực miền Trung có nguy cơ sự cố đường dây 500kV...).
Nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực năng động này, Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và các địa phương đã đề ra chủ trương, quy hoạch xây dựng các Trung tâm Nhiệt điện phía Nam, trọng tâm là Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải với quy mô công suất lớn, để góp phần đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho đầu tầu kinh tế phía Nam.
Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, mỗi năm đã cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia nguồn điện với công suất 2.490 MW, sản lượng điện phát đạt 16 tỷ kWh/năm góp phần quan trọng đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội, tăng hệ số an toàn, ổn định, hiệu quả kinh tế cung cấp điện cho 21 tỉnh thành phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.
Góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Khu vực thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là khu vực ven biển, cách xa các trung tâm thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, cơ sở hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, do vậy điều kiện phát triển kinh tế và thu hút đầu tư công nghiệp khó khăn. Từ khi đầu tư xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, đường thủy nội địa đã được đầu tư đồng bộ, hệ thống nguồn điện ổn định đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt hàng năm các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đã nộp ngân sách cho tỉnh Trà Vinh 1.300 tỷ đồng; đây là nguồn ngân sách rất lớn góp phần quan trọng để tỉnh Trà Vinh tự cân đối được ngân sách địa phương, giảm phụ thuộc ngân sách Trung ương cung cấp; có điều kiện kinh phí đầu tư xây dựng phát triển cở sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho nhân dân.
Ngoài ra từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 đi vào vận hành đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hơn 1.200 kỹ sư, công nhân ở địa phương; với nguồn lao động lớn sinh sống ở địa phương đã kích cầu các dịch vụ kinh doanh trên địa bàn.
Công tác môi trường luôn được Nhà máy quan tâm, chú trọng |
Đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường là nhiệm vụ số 1.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo Quyết định số 2522/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2009), và đã được Tổng cục Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (Giấy phép số 64/GXN-TCMT ngày 13/6/2017).
Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo Quyết định số 1453/QĐ-BTNMT ngày 25/7/2011), và đã được Tổng cục Môi trường cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (Giấy phép số 100/GXN-TCMT ngày 13/9/2017).
Như vậy công tác bảo vệ môi trường Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 đã được nghiêm chỉnh thực hiện, từ khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, đến khi đầu tư xây dựng và nghiệm thu đưa vào vận hành nhà máy, đảm bảo đúng quy định của nhà nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam.
Trong quá trình vận hành nhà máy, các cơ quan chức năng quản lý, bảo vệ môi trương tỉnh Trà Vinh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định kỳ kiểm tra, giám sát các thông số về môi trường của nhà máy; tất cả các đoàn kiểm tra đều kết luận và đánh giá Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải đảm bảo về môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Biến “tro xỉ” của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải thành “nguồn lợi kinh tế”.
Trong những ngày đầu năm 2020, đoàn công tác chúng tôi có dịp về thăm cán bộ công nhân viên nhà máy, được đích thân Giám đốc Nhà máy Nguyễn Văn Thú dẫn đoàn đi thăm quan, thực địa khu vực bãi lưu trữ “tro xỉ” của Nhà máy cũng như công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi thật bất ngờ khi ngắm nhìn toàn bộ bãi “tro xỉ” của nhà máy đã được phủ kín một cánh đồng hoa cỏ vàng tươi, tuyệt đẹp, như phong cảnh ở Châu Âu. Đây là ý tưởng sáng tạo cải thiện môi trường của Ban Giám đốc Nhà máy - ông Thú tâm đắc cho biết.
Trăn trở về bài toán biến bãi tro xỉ của nhà máy thành “nguồn lợi kinh tế”, nguyên liệu phục vụ xây dựng. Ông Nguyễn Văn Thú chia sẻ: Với cương vị người đứng đầu Nhà máy, ông luôn trăn trở bài toán làm thế nào để vừa đảm bảo môi trường, vừa phát huy được những giá trị, đem lại nguồn lợi ích kinh tế, xã hội từ “tro xỉ” thải ra sau khi phát điện. Theo phê duyệt của Bộ TNMT thì Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải cũng như các nhà máy Nhiệt điện trên phạm vi cả nước đều phải đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, bảo vệ môi trường khu vực lưu trữ “tro xỉ”.
Quá trình vận hành hệ thống bãi chứa “Tro xỉ” của Nhà máy gồm các khâu: Vận chuyển tro xỉ từ nhà máy đến bãi lưu trữ, lu lèn đảm bảo theo tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống kè bờ bao quanh bãi tro xỉ, trồng cây để chống khuếch tán tro xỉ ra môi trường ..
“Chi phí rất tốn kém, riêng năm 2018 để xử lý tro xỉ nhà máy đã phải chi ra khoảng 48 tỷ đồng” - ông Thú cho biết. Trước tình hình này, Ban lãnh đạo Nhà máy đã trăn trở, suy nghĩ nhiều giải pháp, một câu hỏi đặt ra là “làm thế nào để giảm chi phí xử lý môi trường, phát huy giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế” từ nguồn thải này. Qua nghiên cứu, tìm hiểu từ thực tế quá trình xây dựng các đập thủy điện lớn trong nước như đập Nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu do EVN đầu tư xây dựng, đều sử dụng nguyên liệu là “Tro bay” từ nhà máy Nhiệt điện Phả Lại để đổ bê tông đầm lăn. Từ đó Ban lãnh đạo nhà máy đã đưa ra giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất đó là đưa sản lượng “tro xỉ” thành nguyên liệu xây dựng.
Phòng quản lý, vận hành của nhà máy |
Từ chủ trương đúng đắn đó, Nhà máy đã mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) vào lấy mẫu thí nghiệm, phân tích số liệu. Sau khi có kết quả đánh giá, thử nghiệm và cấp chứng nhận hợp chuẩn tro xỉ (của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3) phù hợp theo tiêu chuẩn VN, có thể làm vật liệu san lấp, tro bay dùng cho bê tông, vữa xây dựng, xi măng; từ đó nguyên liệu tro xỉ của các nhà máy bỗng đắt như tôm tươi do các công ty vật liệu xây dựng trong vùng tìm đến xin mua.
Tính đến giữa tháng 12/2019, công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ với 8 đơn vị. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã tiêu thụ được trên 900.000 tấn tro xỉ (trên tổng số lượng tro xỉ các nhà máy thải ra là 1,4 triệu tấn). Với tình hình tiêu thụ tro xỉ phát sinh hiện nay, trung bình khoảng 3.200 tấn/ngày so với 4.800 tấn tro xỉ phát sinh/ngày thì sức chứa của bãi xỉ sẽ đáp ứng được khoảng 4 năm vận hành nhà máy, thay vì cứ lo từng năm như trước và doanh thu từ bán tro xỉ nhà máy năm 2019 đạt 20 tỷ đồng.
Như vậy, ngoài lợi ích về cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, thì nguồn tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đã trở thành nguồn vàng đen cho vật liệu xây dựng. Thực tế đã chứng minh, chủ trương đầu tư xây dựng các Nhà máy tại trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải của Đảng, Nhà nước đã đảm bảo đa mục tiêu, nhiều lợi ích.