Nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân: Người cao tuổi khó tiếp cận
Ông Phan Văn Soàn 76 tuổi (Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) - cán bộ ngành giáo dục về hưu nhận tháng lương hưu đầu tiên chi trả qua tài khoản cá nhân với tâm trạng không lấy gì làm vui vẻ. 8h sáng, ông phải đi xe máy gần 10 km ra thị trấn Phú Xuyên mới có ngân hàng để rút tiền. “Tôi nào biết dùng thẻ ra sao, rút như thế nào. Loay hoay mãi không biết làm thế nào phải vào ngân hàng nhờ nhân viên rút hộ”, ông Soàn nói.
Với trạng thái khá bực dọc ông cho hay: “Trước kia, chúng tôi nhận lương hưu bằng tiền mặt, hàng tháng lên nhà văn hoá thôn xếp hàng chờ đến lượt. Tuy hơi mất thời gian nhưng không phải đi xa, không phiền hà ai. Hiện nhà nước trả lương hưu qua tài khoản cá nhân, những người hưu trí, sống ở quê như chúng tôi tiêu dùng tiền mặt là chính, không mua bán online, không chuyển khoản cảm thấy rất “phiền”, thậm chí mất thời gian, công sức”.
Nhiều cán bộ hưu trí vẫn mong muốn được nhận lương hưu bằng tiền mặt. Ảnh: Thu Cúc |
Cũng theo lời vị cán bộ hưu trí này, mức độ “khó chịu” của ông với cách chi trả lương hưu qua tài khoản cá nhân còn là nhẹ. Có những người cao tuổi “mắt mờ chân chậm”, mỗi tháng được trợ cấp xã hội 430 nghìn đồng mới thực sự “khổ”. Tự đi lấy không được, nhờ hàng xóm không xong, con cháu đi làm xa không thể tháng nào cũng rút tiền mang về cho các cụ, trường hợp con ở gần cũng có những người chưa bao giờ biết tới tài khoản cá nhân là gì.
Ở hoàn cảnh éo le, bà Phan Thị Mão năm nay gần 90 tuổi (Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội) sống một mình, tuy vẫn đi lại và tự túc được sinh hoạt cá nhân nhưng hàng tháng đi hơn 10 km xe bus ra thị trấn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội là điều không thể. Mỗi kỳ nhận trợ cấp bà lại lọ mọ chống gậy sang nhà những người có thể tự đi lĩnh lương hưu để nhờ lấy hộ.
Không thể phủ nhận những lợi ích về sự thuận tiện, an toàn và giảm thiểu đáng kể tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội khi chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân.
Tuy nhiên, sự thuận tiện này chỉ phù hợp với những người dân sống ở khu vực thị trấn, thị xã, thành phố. Còn tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thiếu tiện ích và dịch vụ của ngân hàng, khoảng cách từ xã đến các điểm rút tiền xa, đặc biệt các xã vùng xa phải lên trung tâm huyện mới rút được tiền nên người dân gặp nhiều khó khăn khi nhận tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Qua phản ánh từ thực tế của nhiều đối tượng thụ hưởng, nhìn sang thông tin thống kê của ngành bảo hiểm xã hội thành phố, thấy có điểm “lấn cấn”.
Theo đó, tại kỳ chi trả tháng 7/2024, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mới trên địa bàn thành phố là hơn 593.000 người. Trong đó, số nhận qua tài khoản cá nhân trên 562.000 người, đạt khoảng 95%. Ngược lại, số nhận tiền mặt chỉ khoảng 31.000 người.
Trước đó vào tháng 6/2024, tỉ lệ người nhận chi trả qua tài khoản ở thủ đô chỉ khoảng 49%. Sau đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan như công an để nâng cao số người nhận lương hưu không tiền mặt.
Để chi trả nhanh chóng, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn kinh phí, nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chi trả kịp thời, đầy đủ cho người nhận.
Với con số tăng trưởng về số người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là điều đáng mừng trong cung cấp dịch vụ số cho người dân. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng chính sách trên hầu hết là người cao tuổi, sự phù hợp với điều kiện của người dân là điều cần tính đến, thậm chí quan tâm hàng đầu. Nên chăng cần sự linh hoạt một cách thực sự và việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cần dựa trên sự tự nguyện của mỗi cá nhân!