Nguồn lực tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đã sẵn sàng
Ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận số 49-KL/TW) trong đó nhấn mạnh định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới".
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tiến hành nhiều cuộc họp quan trọng để xem xét các nội dung, trong đó Thường trực Chính phủ đã có 3 cuộc họp và thống nhất với phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/h, vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa khi có nhu cầu; đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024, trong đó đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc - Nam.
Có thể thấy, tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035 sẽ là một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.
Ngay sau chủ trương về xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao được thông qua, dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt đến dự án này và cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn vốn, tốc độ, hiệu quả của dự án đối với nền kinh tế, xã hội khi được đầu tư, đưa vào vận hành và sử dụng…Công tác chuẩn bị tài chính cho dự án cũng được đông đảo người dân quan tâm.
Tại cuộc tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức" diễn ra chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, về công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các bộ, ngành thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.
3 nhóm giải pháp điều hành tổng thể gồm:
Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.
Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng. Ảnh: Dương Tuấn |
Về 4 phương án huy động nguồn lực, thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách. Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Thứ hai, thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án;
Thứ ba, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.
Thứ tư, huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
"Với 3 giải pháp và 4 phương án huy động nguồn lực như vậy, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10", Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Trước ý kiến cho rằng việc dồn nguồn lực lớn để xây đường sắt cao tốc sẽ làm ảnh hưởng đến việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực khác, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng khẳng định, nguồn lực tài chính tổng thể theo dự toán thu chi ngân sách của cả 3 giai đoạn được tính toán một cách kỹ lưỡng, khoa học và mang tính khả thi cao.
"Dự toán ngân sách đầu tư trong 3 giai đoạn dự án sẽ đảm bảo đồng bộ với các dự án của các ngành, lĩnh vực, bảo đảm cân đối, hài hòa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Để đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, đường đôi, điện khí hóa, tư vấn xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD (khoảng 1,713 triệu tỉ đồng). Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024. Nếu thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035 trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỉ USD. Con số này tương đương 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hằng năm bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỉ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay (chiếm 5,5 - 5,7% GDP). |