Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?

Không chỉ là điểm đến tham quan, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn để lại nhiều suy nghĩ sâu sắc trong lòng du khách quốc tế khi tới TP. Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: Nơi gửi những thông điệp hòa bình đến với thế giới Khám phá những câu chuyện lịch sử tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Quý I/2025: Hơn 6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam

Giữa không gian nhộn nhịp của TP. Hồ Chí Minh những ngày tháng 4 lịch sử, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh không chỉ là điểm đến của người Việt trong hành trình tìm về ký ức, mà còn là điểm dừng chân đầy suy ngẫm của những du khách quốc tế.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Khách quốc tế tham quan Chuyên đề Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh

Được thành lập từ năm 1975, bảo tàng là nơi lưu giữ những chứng tích sống động về một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc Việt Nam. Với những vị khách du lịch quốc tế, đây còn là nơi họ có thể học thêm về lịch sử, cũng như thấu hiểu những mất mát, đau thương và sự kiên cường của con người Việt Nam trong chiến tranh.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?

Những ngày này, lượng khách quốc tế đến tham quan tăng mạnh, đặc biệt là các nhóm du lịch đến từ các nước châu Âu, Mỹ và Ấn Độ…

Bước vào tầng trệt, không ít du khách đã cảm thấy choáng ngợp trước chuyên đề: "Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975". Nơi đây trưng bày 100 bức ảnh và 145 tư liệu, hiện vật, tái hiện sinh động phong trào đoàn kết của nhân dân thế giới.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Khu trưng bày tầng trệt nổi bật với những hình ảnh các cuộc biểu tình ở New York, Paris... và những bức tranh cổ động, biểu ngữ, cờ, phản đối cuộc chiến tại Việt Nam

Tiếp nối hành trình, tầng hai của bảo tàng đưa khách quốc tế bước vào không gian trưng bày chuyên đề "Hậu quả chất độc da cam". 100 bức ảnh, 10 tài liệu và 20 hiện vật tại đây phơi bày một sự thật nghiệt ngã về hậu quả của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Bản đồ những khu vực bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh đã làm nhiều du khách quốc tế nán lại

Cũng tại tầng hai, khu trưng bày "Tội ác chiến tranh xâm lược" mang đến những hình ảnh gây ám ảnh và xúc động mạnh đối với khách quốc tế. Những hình ảnh về trẻ thơ hoang mang giữa đổ nát, đặc biệt là bức "Em bé Napalm" khiến không ít du khách phải lặng người...

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Du khách quốc tế xúc động trước những bức ảnh về tội ác chiến tranh xâm lược

Tầng ba của bảo tàng là nơi trưng bày chuyên đề "Những sự thật lịch sử". Với 66 bức ảnh, 20 tài liệu và 153 hiện vật, không gian này kể lại quá trình thực dân Pháp và sau đó là quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Chuyên đề "Những sự thật lịch sử" giúp du khách có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về bản chất cuộc chiến qua những con số thống kê

Một trong những điểm nhấn xúc động nhất nằm ở khu vực trưng bày cuối cùng mang tên "Hồi niệm", gồm 275 bức ảnh do 134 phóng viên thuộc 11 quốc tịch chụp lại trước khi họ ngã xuống trên chiến trường Đông Dương.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Chuyên đề "Hồi niệm" là lời tri ân không chỉ đối với các phóng viên chiến trường, mà còn là minh chứng về cái giá của sự thật và lòng can đảm nơi tuyến lửa

Với những khách du lịch quốc tế lần đầu đến Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là cơ hội để họ học hỏi và hiểu thêm về một giai đoạn đau thương trong lịch sử thế giới.

Chị Emilia và Julia, hai du khách đến từ Thụy Điển, chia sẻ: "Chúng tôi đến Việt Nam từ hôm qua và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những điểm đến tham quan đầu tiên của chúng tôi. Đây là cơ hội để chúng tôi hiểu thêm về nước bạn".

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Với chị Emilia và Julia, bảo tàng là nơi học hỏi về lịch sử Việt Nam

Tương tự, hai du khách Ấn Độ là anh Nishant và anh Suman cũng lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Chia sẻ cảm xúc về chuyến đi, anh Suman nói: "Tôi cảm thấy rất sững sờ trước khu trưng bày chuồng cọp. Đây là một trải nghiệm tuyệt đẹp."

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Dù thời tiết nắng nóng, nhưng anh Nishant và anh Suman mong muốn tham quan toàn bộ những hiện vật được trưng bày bên ngoài bảo tàng

Đến từ Anh quốc, hai du khách Jack và Joe mong rằng bảo tàng sẽ là nơi để các anh biết thêm về lịch sử Việt Nam. "Đây là cơ hội để chúng tôi có thể học hỏi và hiểu biết về những giá trị văn hóa và con người Việt Nam", anh Joe chia sẻ.

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Giống như hai chị Julia và Emilia, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng là một trong những địa điểm tham quan đầu tiên của Jack và Joe

Với nhiều du khách quốc tế, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng là nơi nhìn lại quá khứ và chiêm nghiệm về tương lai.

Bà Lorraine, một du khách đến từ Mỹ bồi hồi kể lại: "Chồng tôi từng là một quân nhân tham chiến tại Đà Nẵng và cũng đã chịu tổn thương từ chất độc da cam. Vào năm 2011, chúng tôi đã đến thăm lại Việt Nam và cảm xúc của ông ấy lúc đó thật khó có thể diễn tả được."

Khách quốc tế nghĩ gì về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh?
Bà Lorraine cùng người bạn đồng hành là ông David

Bà Lorraine chia sẻ, sau khi chồng qua đời, bà đã có hai lần đến Việt Nam. Về thăm lại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sau nhiều năm, bà cảm thấy choáng ngợp trước những thay đổi của bảo tàng, nhưng những bức ảnh về trẻ em luôn làm bà cảm thấy xúc động.

Trong cương vị là một giáo viên, bà Lorraine mong muốn truyền tải đến thế hệ trẻ toàn cầu thông điệp về hòa bình và sự thấu hiểu. "Các quốc gia trên thế giới cần học cách chung sống hòa thuận với nhau, vì chiến tranh là điều cuối cùng mà người dân phải chấp nhận", bà chia sẻ.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đang là địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam. Tọa lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, bảo tàng mở cửa từ 7h30 - 17h30, từ thứ Hai đến Chủ nhật hàng tuần.
Phú Quý
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: khách du lịch quốc tế

Tin cùng chuyên mục