Người lính đảo nặng tình đồng đội
Từ ký ức người lính đảo
Gần 15 năm qua, người dân địa phương và du khách khi đến Đà Nẵng đã dường như quen thuộc với hình ảnh cột mốc biển Trường Sa Đông có kích thước lớn nằm trang trọng trong cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Xuất Ánh, hướng ra biển Đông, ngay trên tuyến đường Trường Sa. Đây là tấm chân tình của cựu lính đảo được ông dựng lên với mong muốn sớm tìm lại những người đồng đội cũ.
Ông Xuất dành tất cả tâm huyết để xây dựng cột mốc đảo Trường Sa Đông |
Sinh ra và lớn lên cùng những con sóng vỗ trắng xóa tại vùng biển Hòa Hải, tuổi thơ của ông Trần Văn Xuất trải dài theo những tháng ngày cùng cha dong buồm ra biển đánh cá. Đến năm 19 tuổi, người thanh niên trẻ ấy mang theo tinh thần hồ hởi, không ngại sóng, không ngại gió, lên thuyền ra đảo Trường Sa Đông (thuộc Quần đảo Trường Sa), nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại Lữ đoàn 146.
"Khi ấy là tháng 5 năm 1984, tôi nhận quyết định được ra đảo, lúc đó chỉ nghĩ là lên tàu về đơn vị thôi, thế nhưng đây lại chính là bước ngoặt của cuộc đời mình. Khoảng 4 giờ sáng, tôi bắt đầu lên tàu, lênh đênh trên biển suốt 7 ngày 7 đêm, chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn. Sau khi trao đổi lính, chúng tôi tiếp tục cuộc hải trình tới đảo Trường Sa Đông, bắt đầu cuộc sống của người lính đảo" - ông Xuất hồi tưởng.
Những tháng ngày sống giữa khoảng trời mênh mông sóng nước, nghe tiếng rì rào của biển, thanh niên Trần Văn Xuất khi ấy cùng 31 người lính đảo khác không hẹn trước mà quen, cùng đi qua gian khổ, khó khăn, coi nhau như máu mủ ruột rà. Dù vất vả, gian lao nhưng những người lính đảo Trường Sa Đông đều chung một lòng kiên quyết giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến năm 1986, ông Xuất hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương. Vào ngày thuyền cập đảo, ông Xuất chỉ có 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị nên chưa kịp gửi lời chào tạm biệt đến những người đồng đội cùng gắn bó suốt 3 năm qua.
"Nhớ lại ngày đó, tôi vẫn còn thấy buồn, lúc đấy cập rập quá, không kịp tạm biệt được anh em. Giờ đây nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ về đồng đội, không biết cuộc sống hiện tại ra sao, tôi lại chảy nước mắt không sao ngủ được" - ông Xuất xúc động.
Trăn trở với ký ức
Như có điều gì thôi thúc, năm 2005, tuy bận rộn với việc kinh doanh của gia đình nhưng ông vẫn quyết tâm tìm lại đồng đội của mình.
"Trong một lần đứng trước biển, tôi bỗng thấy một tàu đánh cá đi trong nắng sớm mà lòng bồi hồi khó tả, chợt nhớ về tuổi trẻ, nhớ về những người đồng đội từng nằm gai nếm mật cùng mình. Hình ảnh con tàu sao mà thân thương thế, xa cách quá lâu, tôi và đồng đội không giữ được liên lạc, chẳng biết ai còn ai mất" - ông Xuất tâm sự.
Cứ thế, ông bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi trên những cung đường từ Nam ra Bắc để tìm đồng đội cũ của mình. Dù chỉ là đầu mối thông tin nhỏ nhất, ông đều không bỏ qua.
"Năm 2007, tôi chợt nhớ có hai người đồng đội từng kể mình làm nghề lái xích lô, người làm nghề điều khiển xê cộ (xe bò) ở cùng một nơi. Qua tìm hiểu, tôi biết ở vùng Tuy Hòa (Phú Yên) là địa phương có cùng 2 loại xe này" - ông Xuất nhớ lại.
Và rồi, nhớ là đi, mua mấy thùng bia, vài đòn chả thủ, ông lên đường lái xe vào Phú Yên trong ngày. Đến nơi là đã 2 giờ sáng, ông gọi những người đạp xích lô ghé vào uống nước, ăn chả để hỏi dò thông tin. Trùng hợp thay, có một người đạp xích lô quen một cựu lính như những gì ông Xuất mô tả nên đã dẫn đi gặp, họ gặp lại nhau mà giàn giụa nước mắt.
Từ trong ký ức, lần lượt ông tìm được 22 đồng đội bằng những chuyến đi theo dọc đất nước. Thế nhưng, nỗi trăn trở vẫn đeo đẳng ngày đêm trong tâm trí của người cựu lính đảo khi còn 6 người đồng đội cũ chưa liên lạc được.
Dựng cột mốc đảo Trường Sa Đông trong lòng phố biển Đà Nẵng
Với suy nghĩ khoảng thời gian, ông Nguyễn Văn Xuất nhận thấy sự phát triển của thành phố Đà Nẵng sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, ông bắt đầu dành tâm huyết để xây dựng cột mốc đảo Trường Sa Đông trên tuyến đường dẫn về danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ông Xuất chia sẻ những tấm hình thời trẻ cùng đồng đội và những tấm bằng khen |
Cột mốc đảo Trường Sa Đông với chiều cao 6m, rộng 1,5m, với tỷ lệ 1:1 bản gốc, được ông thực hiện trong vòng 4 tháng đã thành hình. Bốn mặt của cột mốc này đều khắc dòng chữ lớn Đảo Trường Sa Đông, vĩ độ 08 độ 55 phút, kinh độ 112 độ 21 phút. Phía dưới cột khắc bốn bức bằng khen cho người cựu binh có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
"Khi tôi nói về việc xây dựng cột mốc, ai cũng nói tôi dở hơi, chẳng ai hiểu tôi muốn làm gì. Nhưng tôi vẫn cứ bắt tay xây dựng. Nhờ đó, tôi gặp được những người đồng đội còn lại sau bao năm xa cách. Lúc này, mọi người mới hiểu rõ tấm lòng của tôi" - ông Xuất chia sẻ.
Bên cạnh cột mốc, ông Xuất còn trồng thêm cây bàng vuông, biểu tượng về sức sống mãnh liệt ở Trường Sa. Ngoài ra, cựu lính đảo còn có một phòng trưng bày các hiện vật là các vật dụng khi còn công tác trên đảo Trường Sa được ông sưu tầm, cất giữ. Ông Xuất còn giúp đỡ những người đồng đội khó khăn có vốn làm ăn và thành lập Ban liên lạc các Chi hội cựu chiến binh Trường Sa Đông tại các tỉnh, thành để thuận tiện trong liên lạc và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Vượt lên ý nghĩa ban đầu, cột mốc chủ quyền Trường Sa được ông Xuất dựng lên đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân địa phương và du khách trong, ngoài nước. Suốt những năm tháng qua, hàng ngàn lượt khách đã đến đây chụp ảnh lưu niệm dưới chân cột mốc chủ quyền, góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.