Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Bước tiến mới về quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu
Thưa ông, mới đây, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu. Ông đánh giá gì về Nghị định mới này?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Tôi cho rằng Nghị định số 80 là bước tiến về quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu. Nghị định đã tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhất là doanh nghiệp bán lẻ về nguồn hàng. Cụ thể, cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu. Đây là quyết định chính xác, giúp doanh nghiệp bán lẻ có nhiều hơn sự lựa chọn trong kinh doanh, minh bạch chi phí kinh doanh. Quy định này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ chủ động đàm phán về vấn đề chiết khấu, lợi nhuận, không phải chịu sự o ép như một số thời điểm trong thời gian qua. Đây cũng là vấn đề mấu chốt dẫn đến nguồn cung xăng dầu đôi lúc bị gián đoạn như năm vừa qua.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng giúp rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần. Khi điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần sẽ cập nhật tình hình giá xăng dầu trên thế giới tốt hơn, giảm bớt rủi ro khi giá xăng tăng quá cao hoặc xuống quá thấp trong thời gian ngắn như năm 2022.
Một điểm tích cực khác là Nghị định đã giảm bớt trung gian, bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu trong chuỗi cung ứng là đơn vị trung gian bán buôn, giúp giảm bớt chi phí.
Nghị định cũng có những điều khoản siết lại kỷ cương trong thị trường xăng dầu, làm rõ quy chế thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp làm không tốt. Đây là xu hướng tốt và là xu hướng chung của các nơi trên thế giới.
Nghị định 80 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường xăng dầu vận hành ổn định và hiệu quả hơn |
Ngoài ra, Nghị định đã tăng cường quản lý về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tránh tình trọng bị lợi dụng như trước đây. Đặc biệt, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 06 tháng xuống 03 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa. Tôi kỳ vọng khi đi vào thực tế, Nghị định này sẽ giúp quản lý xăng dầu theo chiều hướng cạnh tranh hơn, theo hướng thị trường hơn.
Theo ông việc sửa Nghị định lần này có tạo điều kiện tốt hơn cho người tiêu dùng hay không?
Tôi cho rằng sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người tiêu dùng. Khi mọi thứ trên thị trường được minh bạch, dù chưa hoàn toàn tuyệt đối, ví dụ doanh nghiệp bán lẻ thoải mái hơn trong lựa chọn nguồn cung ứng, được hạch toán chi phí kịp thời… thì sẽ tránh được thị trường xăng dầu bị ách tắc, người tiêu dùng mua bán sẽ thuận lợi hơn, không còn tình trạng xếp hàng mua xăng dầu như thời gian trước.
Hiện nay các cửa hàng xăng dầu cũng được yêu cầu phải xuất hoá đơn bán lẻ. Đây là việc khó, song về lâu dài nếu được thực thi hợp lý cũng sẽ giúp cho quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.
Cùng với Nghị định này, theo ông, cần có giải pháp ra sao để thị trường xăng dầu vận hành tốt hơn trong thời gian tới?
Thị trường xăng dầu năm 2022 có những diễn biến mang tính dị biệt. Đây chính là lý do Nghị định 80 được Chính phủ yêu cầu xây dựng theo quy trình rút gọn để thay thế Nghị định 83 và 95, giúp giải quyết được những vấn đề mới phát sinh của thị trường. Sau khi Nghị định 80 được ban hành, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới. Tức là đây là Nghị định chưa được hoàn chỉnh.
Theo tôi, thời gian tới cần tăng cường tính cạnh tranh hơn cho thị trường xăng dầu, trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho doanh nghiệp theo hướng thị trường để có được một thị trường xăng dầu bình đẳng và cạnh tranh.
Tôi cũng cho rằng cần thiết nhất là phải có một Quỹ bình ổn xăng dầu được xây dựng bằng hiện vật chứ không phải bằng tiền như hiện nay. Quy mô dự trữ từ 3-6 tháng để không phụ thuộc nhiều vào nguồn xăng dầu nhập khẩu. Quỹ bình ổn này phải do Nhà nước quản lý để đảm bảo công khai, minh bạch và hoàn toàn chủ động được trong việc điều tiết nguồn cung xăng dầu.
Đối với thị trường xăng dầu, cũng cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia thị trường để tăng tính cạnh tranh. Vai trò quản lý nhà nước chỉ thể hiện ở lĩnh vực quản lý thị trường, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại, cạnh tranh không bình đẳng, và quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu bằng hiện vật.
Xin cảm ơn ông!