Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến “thắp sáng” đồ chơi Trung thu
Yêu trẻ, giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống
Gần 52 tuổi nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) vẫn miệt mài gắn bó với nghề, giữ hồn và “thắp sáng” cho đồ chơi Trung thu truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến “thắp sáng” cho đồ chơi Trung thu |
Đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vào những ngày tháng Bảy âm lịch, trong nhà, ngoài sân ngổn ngang những nan tre, nứa còn đang vót dở, những khung đèn ông sao năm cánh, đèn chim công, đèn cá chép, đèn tôm, đèn thỏ, khung tiến sĩ giấy… đang chờ được dán giấy.
Những sản phẩm đồ chơi Trung thu đang chờ hoàn thiện |
Tết Trung thu đến gần, tại căn nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến lại tất bật ngày đêm chuẩn bị làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Được biết, mọi nguyên liệu để làm đồ chơi Trung thu truyền thống đã được gia đình bà chuẩn bị từ đầu tháng 5 Âm lịch. Nào tre, nào nứa, khung tre từng loại sản phẩm phơi la liệt khắp trong nhà, ngoài sân. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, con trai, con dâu, con gái bà Tuyến cũng phụ công việc đơn giản giúp mẹ hoàn thiện những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống kịp giao cho khách đúng hạn.
Niềm vui của bà Tuyến mỗi khi hoàn thiện xong một sản phẩm |
Rồi vừa làm, bà vừa kể cho chúng tôi: Trước đây, làng Hậu Ái vốn là điểm cung cấp chính đèn ông sao, đèn con cá, ông tiến sĩ giấy và nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống khác cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Không chỉ múa lân, phá cỗ, hát trống quân… mà đèn lồng Hậu Ái cũng là một món ăn tinh thần của người dân xứ Kinh Kỳ mỗi dịp Tết Trung thu đến.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bồi hồi: Làng Hậu Ái nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống là thế. Nhưng trước sự du nhập của đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi Trung thu truyền thống cũng có phần điêu đứng những năm 1990-2000. Đồ chơi ngoại nhập mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ nên các sản phẩm ngoại nhập nhanh chóng chiếm thị phần chính ở Việt Nam. Đồ chơi Trung thu truyền thống dần rơi vào lãng quên. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy... trở nên mờ nhạt và không còn là sự lựa chọn duy nhất nữa. Có thời điểm số lượng đồ chơi Trung thu truyền thống trong làng làm ra chỉ còn 1/5 nhưng cũng rất ít người mua. Rất nhiều người làm đồ chơi Trưng thu truyền thống trong làng đã phải bỏ nghề để đi tìm công việc khác.
Thời diểm này, bà Tuyến định bỏ nghề nhưng với tình yêu trẻ và đam mê tâm huyết với nghề đã giúp bà Tuyến tiếp tục gắn bó và “thắp sáng” cho đồ chơi Trung thu truyền thống. Với nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến công việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống đã trở thành niềm vui của bà mỗi dịp Rằm tháng 8 đến.
Gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân gian
Bà Tuyến tâm sự: Nhà bà đã có 3 đời làm đồ chơi Trung thu, từ đời các cụ ngày xưa, đến ông bà thân sinh, rồi đến bà Tuyến là đời thứ 3. Bà Tuyến nhớ lại: Năm lên 7- 8 tuổi, cụ thân sinh đã truyền nghề cho tôi, lúc đó nhỏ thì làm việc nhỏ như: Dán giấy màu cho đèn, tay ông đánh gậy, dán thắt lưng, cờ biển cho ông tiến sĩ chứ chưa được làm khung. Sau này cứng tay hơn thì mới được làm khung và từ đó đến nay, tôi chưa bỏ một năm nào là không làm đồ chơi trung thu. Với hơn 50 năm kinh nghiệm của mình, thời gian để bà Tuyến hoàn thiện một chiếc đèn ông sao thường nhanh gấp 2-3 lần người mới vào nghề, vì "trăm hay chẳng bằng tay quen".
Gia đình bà Tuyến đã có 3 đời làm đồ chơi Trung thu |
Bà Tuyến chia sẻ: Việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống này khéo tay thôi chưa đủ mà cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và đặt cái tâm của mình vào từng sản phẩm. Trong đó, mỗi sản phẩm từ đèn ông sao đến ông tiến sĩ giấy đều yêu cầu những người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, chau chuốt và khéo léo. Bởi lẽ, mỗi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng thủ công mà không hề có sự can thiệp của máy móc hay công nghệ. Bên cạnh đó việc chọn các nguyên liệu để làm đồ chơi Trung thu truyền thống cũng phải được chọn lựa kỹ càng. Các nguyên liệu chủ yếu lấy từ thiên nhiên, rất thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ.
Người làm đồ chơi Trung thu cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn |
Bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo cùng óc sáng tạo, hơn 50 năm qua nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã biến những cây nứa, tờ giấy màu thành những món đồ chơi Trung thu truyền thống được trẻ em yêu thích. Bà Tuyến giải thích, người làm đồ chơi Trung thu phải hiểu được câu chuyện, ý nghĩa của từng loại sản phẩm, thì tác phẩm khi làm ra mới thật sự đẹp và có hồn. Ví dụ: Đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam. Đèn con thỏ là dựa vào truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8...
Đèn ông sao là món đồ chơi được nhiều bạn trẻ yêu thích |
Vì sản xuất bằng phương pháp thủ công nên mỗi mùa Trung thu bà Tuyến chỉ làm được khoảng trên dưới một nghìn sản phẩm như: Đèn ông sao, đèn con cá, đèn con thỏ, đèn con tôm, tiến sĩ giấy... Hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung thu bà làm ra là phục vụ cho trường học, cơ quan làm quà tặng cho các em nhỏ. Được biết giá của mỗi món đồ chơi Trung thu dao động từ 30-60 nghìn đồng tuỳ sản phẩm. Giá đèn ông sao là 40 nghìn đồng/chiếc, đèn con cá, đèn con tôm có giá từ 30 - 35 nghìn đồng/chiếc, 1 bộ ông tiến sĩ giấy gồm 1 tướng và 2 quân, giá bộ nhỏ khoảng 100 nghìn đồng/bộ, bộ to có giá 350 nghìn đồng/bộ.
Vừa làm bà vừa giới thiệu những món đồ chơi yêu thích cho du khách |
Bên cạnh việc làm đồ chơi Trung thu truyền thống tại nhà, những năm gần đây bà Tuyến còn dành thời gian đến Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội tham dự lễ hội Trung thu để hướng dẫn cho các em nhỏ làm đèn ông sao. Hàng năm cứ sát những ngày Rằm tháng 8, bà dành ra vài ba ngày trưng bày các sản phẩm của mình tại Bảo tàng Dân tộc học và các khu nhà cổ trên phố Mã Mây, Hàng Đào để dạy các em nhỏ làm đèn ông sao, tiến sĩ giấy.
Cũng từ những hoạt động này, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến được nhiều nơi biết đến, từ Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Ban quản lý phố cổ Hà Nội... và các trường học đã mời bà đến tham dự và trình diễn, giới thiệu cách làm cũng như ý nghĩa của từng món đồ chơi truyền thống cho du khách cũng như các em nhỏ.
Bà Tuyến mong muốn truyền lại nghề để gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân gian |