Thứ bảy 17/05/2025 06:07

Nghề hương Huế nhộn nhịp “đổ bông” đón Tết

Cứ mỗi dịp giáp Tết, làng hương Thủy Xuân, phường Thủy Biều, TP. Huế lại tất bật vào “vụ”. Người làm hương tranh thủ những ngày nắng cuối năm để phơi phóng và tăng thêm nhân công để sản xuất cho kịp nhu cầu mua hương cuối năm của người dân.

Làng hương vào “vụ” Tết

Những ngày áp Tết, chúng tôi có dịp trở lại Huế tìm về phường Thuỷ Xuân nơi được coi là làng hương nổi tiếng ở Huế. Ghé quán bà Tôn Tuyết, bà theo nghề hương của gia đình từ thủa lên 9 lên 10 và đến nay đã thất thập cổ lai hy nhưng hàng ngày bà vẫn làm hương để nuôi sống bản thân và gia đình.

Phơi hương ở đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế

Bà Tuyết giúp chúng tôi tìm hiểu về việc làm ra được một cây hương. Đầu tiên bà đưa tôi bó chong hương, là phần lõi tre của cây hương. Chong hương ngày trước chẻ bằng tay nhưng bây giờ đã có máy nên mười cây như một rất đều đặn. Rồi bà đi pha màu giúp tôi nhuộm màu chân hương. Bà chia sẻ, màu chân hương muốn tươi và bền màu thì nước phải thiệt sôi, ngâm phải đủ lâu rồi đem ra nắng phơi. Vì thế, những ngày nắng ráo nhà nào cũng đem chong ra nhuộm rồi phơi nên con đường như được tô điêm bởi hàng trăm bông hoa sặc sỡ sắc màu.

Bà Tuyết đang “đổ bông” (phơi) những cây hương vừa se xong

Theo bà Tuyết, công đoạn làm bột hương là quan trọng nhất - bởi đây là công đoạn quyết định mùi hương, độ bền của cây hương, không bị cháy giữa chừng cũng như tàn hương có được độ uốn cong thẩm mỹ khi cháy. "Bí quyết nằm ở việc trộn các nguyên liệu với nhau. Với ba nguyên liệu chính là bột trầm, mùn cưa và keo được làm từ vỏ cây Bì Lời, người thợ sẽ gia giảm theo tỷ lệ của mình và thêm các phụ gia khác của ngũ vị thuốc Bắc: quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi để tạo ra mùi hương đặc trưng cho từng nhà… dù có biến tấu nhiều mùi thì mùi hương trầm vẫn là mùi được người dân Huế ưa chuộng nhất", bà Tuyết cho biết thêm.

Bà cười hiền lành rồi nói, so với năm trước, giá hương năm nay vẫn duy trì ở mức ổn định. Tùy vào loại hương mà có giá cả khác nhau. Hương trầm loại thông dụng giá 60.000/bó (1 bó = 100 cây hương), loại đắt nhất là 200.000/bó; hương quế thì có giá 30.000/bó.

Hiện tại làng nghề Thủy Xuân có trên 40 hộ sản xuất hương trầm, tuy nhiên lực lượng đảm nhiệm công việc này chủ yếu vẫn là chị em phụ nữ. Hương sản xuất tại làng nghề Thủy Xuân có đủ mẫu mã và chất lượng khác nhau, phục vụ được cho nhiều đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, điều làm nên tên tuổi của làng nghề này phải kể đến là loại hương trầm khi đốt lên có vị dịu nhẹ âm thầm sâu lắng lạ của xứ Huế. Để làm ra được một cây hương trầm có mùi thơm đặc biệt như vậy phải kỳ công qua rất nhiều bước, người làm nghề này cũng đòi hỏi phải là người có tâm và biết chịu khó.

Tranh thủ trời nắng, những chân hương đầy màu sắc được nhuộm và phơi

"Khoảng thời gian trước Tết nhiều hộ gia đình phải tăng cường sản xuất đến 9-10 giờ đêm để kịp nguồn hàng. Công việc làm hương trầm tuy vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người.

Ngày thường bình quân thu nhập của mỗi người trên 3 triệu đồng/tháng nhưng bước vào vụ Tết thì thu nhập khá hơn nhiều. Khi nhu cầu của người dùng càng nhiều, vụ hương vào mỗi dịp cuối năm đã giúp nhiều gia đình có điều kiện đón tết đầy đủ hơn”, bà Tuyết cho biết thêm.

Hương trầm - một nét đẹp văn hóa xứ Huế

Hương trầm đối với người Huế nói riêng và người Việt nói chung là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh. Ngày lễ Tết, ai ra chợ không mua sắm một vài nén hương về thắp lên bàn thờ tổ tiên. Không chỉ thể hiện tấm lòng thành kính, nén hương còn là sợi dây liên kết đặc biệt thắt chặt mối quan hệ của người còn sống với thế giới tâm linh.

Đến với làng nghề Thủy Xuân không hiếm khách hàng sẵn sàng bỏ ra tiền triệu chỉ để tìm mua một bó hương trầm thật tốt bởi an tâm về chất lượng và thể hiện được tấm lòng của mình với người đã khuất”.

Bà Tuyết tâm sự, từ ngày con đường Huyền Trân Công Chúa được làm mới, du khách hay chọn đường này để lên thăm các địa điểm du lịch như lăng Vua Tự Đức, lăng Vua Đồng Khánh, đồi Vọng Cảnh nên làng hương ở đây cũng được dịp làm kinh tế. Các dịch vụ chở khách lên tham quan, mua hàng, trải nghiệm làm hương khiến cho thu nhập của nghề có cải thiện.

Các sản phẩm cũng được đa dạng hơn để phục vụ nhu cầu khách hàng, như: có loại hương nhỏ xíu để có thể bỏ túi làm quà, có bó 20 cây, có bó 50 cây hay bó trăm cây. Ngoài hương, bà còn bày bán các loại sản phẩm từ trầm như nụ trầm, quạt trầm… cũng nhờ vậy mà bà biết cách chào đón khách, giới thiệu hàng hoá. Đó cũng là cách hay để truyền bá nét văn hoá tâm linh độc đáo của người dân Huế.

Bà Tuyết đang hướng dẫn du khách se hương bằng phương pháp thủ công

Cách làm hương truyền thống được giữ lại và phát triển thành một hình thức du lịch trải nghiệm. Nhiều du khách khi đến đây cảm thấy thật sự ấn tượng bởi được tự tay mình làm nên những cây hương đủ màu sắc, được hiểu thêm một nét văn hóa đẹp.

Làng nghề Thủy Xuân bây giờ không chỉ cung cấp nguồn hương phục vụ cho đời sống tâm linh người dân xứ Huế mà còn vươn ra các địa phương khác. Hương thơm sâu lắng của hương trầm Thủy Xuân hôm nay đã len lỏi đến khắp mọi miền của tổ quốc.

“Mỗi cây hương trầm được làm ra không chỉ chứa đựng mồ hôi công sức của người làm, đó còn là một nét văn hóa nên đòi hỏi cần phải có cái tâm đối với nghề. Nén hương khi đốt lên phải cháy hết từ đầu đến cuối, tàn hương phải uốn cong, tất cả xuyên suốt như sợi dây nối người sống với thế giới tâm linh vậy.

Nếu làm ra cây hương trầm chỉ vì mục đích lợi nhuận, không gửi gắm được cái tâm của mình vào đó, hương đốt lên mà tắt nửa chừng thì nhất định sẽ không còn ai còn ngoảnh lại với làng nghề nữa”, nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ chia sẻ.

Những nén trầm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới

Thắp một nén hương trên bàn thờ tổ tiên từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong suy nghĩ của người Việt, nhất là trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết, rồi khi đến viếng mộ người đã khuất không ai không mang theo nén hương để thể hiện lòng thành kính. Việc làm này như “chiếc cầu nối” vô hình mà thiêng liêng, gắn chặt những tâm hồn hiện hữu với cõi tâm linh của đất trời. Đó cũng là lý do khiến cho nghề làm hương cổ truyển trải qua biết bao chặn đường vẫn còn sức sống cho đến ngày hôm nay.

Hoàng Trinh - Minh Trang

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Công bố hoàn thành nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà

Đắk Lắk có tân Phó Giám đốc Sở Công Thương

Đà Nẵng: Giảm phát thải nhà kính hiệu quả, hướng đến NetZero

Biên Hòa 1: Từ khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam đến khu đô thị hiện đại

Hà Nội vận động hộ kinh doanh nhà cao tầng mở lối thoát nạn thứ 2

PC Thanh Hóa: Mỗi học sinh là một hạt giống tuyên truyền về công tác an toàn điện

Phú Thọ bố trí chỗ ở cho hơn 4.000 cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Bà Rịa - Vũng Tàu: Liên kết ‘3 nhà’ trong tiêu thụ hàng hóa

Sóc Trăng: Ông Nguyễn Ngọc Hiển làm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường

Cần Thơ hướng dẫn bố trí nhân sự sau sáp nhập xã, phường

Lào Cai ban hành công điện hoả tốc ứng phó với mưa lũ

Đắk Lắk: Dự kiến hơn 1.000 người nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc

Sáp nhập Khánh Hòa, Ninh Thuận: Cơ hội 'vàng' bứt phá kinh tế

Kiểm toán các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên

Ông Thái Bảo giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khởi công dự án du lịch 1 tỷ USD

Lào Cai: Sạt lở đất trong đêm vùi lấp nhà dân tại Sa Pa

Chuyển đổi số tại Nghệ An: 'AI thực chiến, bí quyết thành công'

Quảng Bình: Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Nghệ An: Khai mạc Hội chợ kết nối sản phẩm ba miền