Seoul – 4 thập kỷ hóa siêu đô thị Các siêu đô thị ven biển châu Á đối diện nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu Biên Hòa 1: Từ khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam đến khu đô thị hiện đại |
Cam kết cho sự hợp tác bền vững
Lãnh đạo 3 tỉnh, thành gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vừa cùng tham dự lễ khởi công phân khu mới quy mô 35 ha - The Grand Hồ Tràm của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm.
Dự án có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, tiện ích giải trí, casino, trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế. Là một phần trong tổng thể dự án của The Grand Hồ Tràm và góp phần nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 4 tỷ USD, với quy mô 9.000 phòng, trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế hàng đầu Đông Nam Á. Dự án tích hợp các trung tâm chăm sóc - trị liệu sức khỏe toàn diện, trung tâm thể thao - giải trí đa dạng, khu vui chơi gia đình và trung tâm sự kiện - hội nghị đạt chuẩn quốc tế (MICE).
![]() |
Lãnh đạo 3 tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng tham dự lễ khởi công phân khu mới quy mô 35 ha - The Grand Hồ Tràm. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, đây là dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa chiến lược trong việc nâng tầm vị thế về du lịch của địa phương trên bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện ngày càng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.
“Địa phương cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan để dự án được thực hiện nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất, đóng góp những sản phẩm đặc sắc cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay và TP. Hồ Chí Minh mới thời gian tới đây”, ông Thọ khẳng định.
Việc tiếp tục đầu tư của The Grand Hồ Tràm thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào tiềm năng của thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng là minh chứng sinh động cho mối quan hệ hợp tác toàn diện ngày càng phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.
Bảo đảm tiến độ đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
Hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung hiện đang được đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, một số dự án giao thông tăng tính kết nối giữa ba địa phương TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu như Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, metro TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng tuyến quốc lộ 13...
Tuyến Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh - được đánh giá là trục giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ hiện đang được thi công xây dựng. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 76 km, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe); giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe) đầu tư không liên tục.
![]() |
Một phần hiện trạng thi công dự án tại điểm nối tiếp giáp dự án Vành đai 3 và dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Ảnh: PLO |
Dự án đi qua địa phận 4 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Chiều qua (15/5), Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được dẫn đầu đoàn công tác thành phố đã đến kiểm tra tiến độ thi công dự án giao thông trọng điểm Vành đai 3, đoạn đầu tuyến dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (huyện Củ Chi). Hiện tổng sản lượng thi công đường Vành đai 3 đạt khoảng 38,82% giá trị hợp đồng.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ 14,7 km phía Đông TP. Hồ Chí Minh sẽ thông xe vào 31/12/2025, gói thầu XL1 sẽ đấu nối với cầu Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào ngày 30/6/2025. Còn đối với khu vực phía Tây của dự án hiện đang thiếu cát, ảnh hưởng đến việc gia cố đường, nhưng sẽ được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Theo đó, khi tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành được hoàn thành, tính kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở nên thuận lợi hơn, mất ít thời gian di chuyển.
Đây chính là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai cũng như các địa phương ở khu vực phía Nam.
Bảo đảm hạ tầng số, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đồng bộ
Để bảo đảm sự hoạt động thống nhất, thông suốt trước, trong và sau khi hợp nhất, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai bảo đảm vận hành các hệ thống thông tin sau khi hợp nhất.
Kế hoạch nhằm bảo đảm công tác vận hành các hệ thống thông tin của 3 địa phương trên sau hợp nhất được thông suốt, không ảnh hưởng đến việc xử lý công việc của cán bộ, công chức.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp vận hành các hệ thống thông tin sau hợp nhất. Ảnh minh họa |
Người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, dễ sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm của các bên trong công tác phối hợp thực hiện các công việc theo đúng tiến độ, lộ trình hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.
Một yêu cầu then chốt trong công cuộc sắp xếp là phải bảo đảm hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hoạt động ổn định và thông suốt.
Trước ngày 30/7/2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử phục vụ tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính, bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Văn phòng Tỉnh ủy của 3 địa phương cũng được giao nhiệm vụ thống kê toàn bộ tài sản, phương tiện, trang thiết bị của các cơ quan tham mưu, báo chí, trường chính trị... trước ngày 30/5/2025. Sau đó, trong tháng 6/2025 sẽ tổng hợp tài chính Đảng bộ, còn tháng 7/2025 sẽ hoàn tất việc số hóa hồ sơ, bàn giao và lưu trữ toàn bộ tài liệu liên quan.
Sau khi sáp nhập, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP. Hồ Chí Minh mới là 168 (113 phường, 54 xã và 01 đặc khu - Côn Đảo), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu. TP. Hồ Chí Minh mới có diện tích tự nhiên khoảng 6.773 km2 và quy mô dân số 13,6 triệu người. |