Nghệ An: Thông qua Nghị quyết với 12 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Theo đó, nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh Nghệ An trong năm 2024. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9-10%; kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp tăng khoảng 21-22%; công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 35-36%; dịch vụ tăng khoảng 42-43%. Thu ngân sách Nhà nước đạt 15.903 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.000 triệu USD, tổng nguồn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 106.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62-63 triệu đồng, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%.
Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra từ ngày 5 - 7/12 |
Về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
HĐND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2024. Triển khai đồng bộ 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.
Trước hết, là tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới, sáng tạo, sâu sát, kịp thời, chỉ đạo điều hành, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch tỉnh; phê duyệt đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, nhất là dự án Cảng nước sâu Cửa Lò và Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đầy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách.
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn đạt thấp.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đối mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.