Nghệ An: Nhiều cách làm hay để hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía
Áp dụng nhiều cách làm hay
Tin vui đối với người dân trồng mía tỉnh Nghệ An năm nay, các nhà máy mía đường trên địa bàn thu mua tại ruộng cho bà con cao hơn năm ngoái với giá 1,1 triệu đồng/tấn, các năm trước chỉ 800.000 - 900.000 đồng/tấn.
Tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) huyện Tân Kỳ, nếu người dân khai hoang chuyển đổi loại cây ăn quả, cây công nghiệp chất lượng thấp qua cây mía sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; nông dân có ruộng nhân giống cấp 1 và cấp 2 được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha và hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha khi nông dân mua và trồng các giống mía mới từ các ruộng nhân giống cấp 3…. Ngoài ra, công ty còn cho vay tiền với lãi suất ưu đãi đối với các hộ nghèo để mua giống, cày đất, trồng mía…
Nông dân huyện Tân Kỳ (Nghệ An) thu hoạch mía bằng máy |
Ông Ngô Vân Tú - Tổng giám đốc NASU - cho hay, vào đầu vụ tổng đài của công ty gửi tin nhắn đến nông dân để thông thu hoạch và điều xe đến tận ruộng vận chuyển mía. Ngược lại nông dân gửi tin nhắn trở lại để biết các khoản nợ phải trả, sản lượng và chất lượng mía nhập về, tiền bán mía được nhận… Cùng với đó, công ty chia sẻ lợi ích với nông dân thông qua cơ chế khuyến khích thưởng hàng chục tỷ đồng/năm cho tất cả những chuyến mía có chữ đường (CCS) cao hơn trung bình 5 ngày 0,5 CCS với mức thưởng là 60.000 đồng/1 CCS tăng thêm. Nhờ sự chính xác, khách quan và minh bạch nên nhiều năm qua gần như không có tranh chấp.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp ngành mía đường của tỉnh cũng đã ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành được công ty quan tâm áp dụng, từ điện thoại thông minh có kết nối Internet, nông dân dễ dàng truy cập để biết thông tin về sản lượng mía, tình trạng lệnh thu hoạch và lệnh vận chuyển; truy cập công thức bón phân… qua đó, tạo kênh thông tin 2 chiều, minh bạch giữa nông dân và nhà máy, giảm phí sử dụng dịch vụ tin nhắn cho nông dân…
Các nhà máy cũng từng bước khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa vào sản xuất mía thông qua chính sách cho nông dân vay tiền không tính lãi suất, để mua các loại máy cày nhỏ, máy chăm sóc mía. Bên cạnh đó, duy trì các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo đồng ruộng để chuyển giao, áp dụng nhanh các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với việc mở rộng diện tích các giống mía mới LK92-11, KK3 có năng suất cao, lưu gốc tốt, kháng các loại bệnh, đặc biệt là bệnh chồi cỏ đã giúp nông dân kéo dài số năm để mía lưu gốc, trong giai đoạn đầu của cây mía phát triển, nhiều nông dân còn trồng xen canh cây họ đậu, ngoài che phủ đất, tạo điều kiện để thiên địch phát triển, cải tạo đất trồng mía, tăng thêm thu nhập từ 20-25 triệu đồng/ha.
Ông Đặng Kim Luyến, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ cho hay, từ lâu cây mía đã là cây trồng chủ lực của người dân trong xã. Tuy nhiên, nhiều năm trước, giá thu mua mía nguyên liệu giảm, không ổn định… nên nhiều hộ dân trong xã đã bỏ mía để trồng các loại cây khác, nhưng gia đình ông vẫn bám cây mía để phát triển kinh tế. Năm nay tuy nhà máy thu mua mía giá có cao hơn nhưng chi phi từ phân bón cũng tăng cao.
Ưu tiên người trồng mía
Nhiều năm trở lại đây, vào đầu mỗi vụ mía các nhà máy ở Nghệ An đều ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển vùng nguyên liệu, giống mới, cơ khí, cánh đồng mẫu lớn hoặc thực hiện các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Công ty NASU cũng cho hay, vụ ép năm 2021 - 2022, Nghệ An là địa phương người trồng mía được thu mua với giá cao nhất trong cả nước. Cụ thể, giá mía tại ruộng chưa bao gồm thưởng độ đường là 1.100.000 đồng/tấn, tăng 200.000 đồng/tấn so với vụ ép 2020 - 2021 nên người trồng mía hết sức phấn khởi.
Vụ mía vừa qua, các nhà máy trên địa bàn Nghệ An thu mua mía tại ruộng cho bà con với giá cao nhất cả nước |
Theo một số hộ trồng mía trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, năm nay mía đạt độ đường cao, giá mía bao gồm cả thưởng độ đường tại ruộng là 1.246.000 đồng/tấn; gia đình anh Hoàng Đình Hiểu ở xóm Minh Lợi, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp trồng mía cho năng suất đạt gần 140 tấn/ha, trừ hết chi phí, gia đình lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm trên diện tích đất chuyển đổi từ cam.
Tại Công ty Mía đường Sông Lam ở huyện Anh Sơn áp dụng các cơ chế, chính sách để khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích trồng các giống mía chất lượng cao, năng suất và phù hợp với địa phương như: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha mía mô hình; hỗ trợ tiền mặt khi nông dân ký hợp đồng trồng và bán mía nguyên liệu cho công ty; đầu tư 100% giống, tiền làm đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi suất; bảo hành giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ tiếp theo và hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển mía giống cho các hộ nông dân đăng ký trồng mía giống mới.
Tương tự, Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) có chính sách hỗ trợ 1ha trồng mía theo hình thức trồng tập trung, hỗ trợ cung cấp các dịch vụ máy làm đất, máy thu hoạch, máy phun thuốc bảo vệ thực vật hiện đại… nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực lao động đối với vùng mía.
Từ chính sách hỗ trợ của các nhà máy, nên việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía trên các cánh đồng lớn ngày càng được công ty mía đường và người nông dân quan tâm. Việc thay thế sức lao động trong các khâu làm đất, trồng, phun thuốc, bón phân… bằng máy đã góp phần giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Tại huyện Quỳ Hợp, nhà máy đường đã phối hợp xây dựng được cánh đồng lớn tại các xã Hạ Sơn, Châu Lý, Tam Hợp, Minh Hợp, Văn Lợi, Liên Hợp… nhờ áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đạt năng suất cao hơn hẳn các vùng khác.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, vừa qua Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477 về áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã làm cho giá đường trong nước được cải thiện, nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã tăng giá mua mía cho nông dân. Tới đây, các vấn đề công nghệ chế biến sâu cũng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực chế biến mía đường, nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành này phát triển.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, nếu như năm 2016 tỉnh này có 24.019,8 ha mía; năm 2020 có 19.828,6 ha, giảm 4.191,2 ha, thì đến năm 2021 còn 19.223,3 ha. Cụ thể trong đó, huyện Tân Kỳ (3.171 ha), Nghĩa Đàn (7.160 ha), Quỳ Hợp (4.961 ha), Quỳ Châu (1.158 ha), Quỳnh Lưu (936 ha), Anh Sơn (949 ha). |