Nghệ An: "Mở khóa" tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo
Tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Theo tính toán, sản lượng điện của Nghệ An đáp ứng trên 70% nhu cầu tiêu thụ của toàn tỉnh (sản lượng điện tiêu thụ 4,2 tỷ kWh). Về điện mặt trời áp mái, đến nay tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái 13,398MWp, sản lượng phát điện lũy kế 10 tháng 2020 đạt 2.415.608kWh.
Nghệ An có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió |
Cụ thể, về dự án điện mặt trời, hiện đã có 2 dự án điện mặt trời (Điện mặt trời nổi Vực Mấu và điện mặt trời hồ Khe Gỗ) với tổng công suất 450MWp, đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Văn bản số 1632/TTg-CN ngày 20/11/2020. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII, 7 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 680MWp.
Lĩnh vực điện gió được xem như “ngôi sao mới” của ngành công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên ở Nghệ An chưa có dự án điện gió nào được phê duyệt vào quy hoạch. Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã đề xuất dự án điện gió Quỳnh Lập với tổng công suất 110MW vào Quy hoạch điện VIII; hiện đang có 3 dự án điện gió (Nhà máy điện gió Nam Đàn 250MW, Nhà máy điện gió ngoài khơi Diễn Châu 300MW, Nhà máy điện gió ngoài khơi Diễn Châu 1, 1.000MW) lập hồ sơ đề xuất quy hoạch dự án; 1 dự án điện gió ngoài khơi Nghi Lộc 500MW đang xin chủ trương khảo sát.
Điện sinh khối, Nghệ An chưa có dự án điện sinh khối được phê duyệt vào quy hoạch; hiện nay mới có 1 dự án điện sinh khối (Nhà máy điện sinh khối Tân Kỳ) với công suất 30MW đã được UBND tỉnh Nghệ An báo cáo Bộ Công Thương đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035.
Về điện khí Quỳnh Lập: Hiện dự thảo Quy hoạch điện VIII có danh mục điện khí Quỳnh lập với công suất 1500MW.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục mở rộng ngành năng lượng tái tạo, thì Nghệ An sẽ nhanh chóng đạt vị trí cao hơn trên thị trường.
Động lực và thách thức với ngành năng lượng tái tạo tại Nghệ An
Có nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Nghệ An. Đầu tiên là mức tiêu thụ điện ở tỉnh này khá cao. Năm 2020, sản lượng điện thương phẩm ở Nghệ An ước là 3,8 tỷ kWh; dự ước năm 2021 sản lượng điện thương phẩm là 4,4 tỷ kWh và năm 2022 sản lượng điện thương phẩm là 5 tỷ kWh.
Theo số liệu Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, có xét đến năm 2035 đã được phê duyệt, đến 2025 sản lượng điện thương phẩm là 6,75 tỷ kWh và đến 2030 sản lượng điện thương phẩm là 9,55 tỷ kWh.
Ngoài ra, phương án khai thác thủy điện trên các hồ thủy lợi đã được đề xuất trên 9 hồ, đập thủy lợi (gồm: Vực Mấu, Sông Sào, Vệ Vừng, Khe Đá, Mả Tổ, Nhà Trò, Cửa Ông, Bản Muộng, Đập Dâng Đô Lương trên địa bàn các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Hợp và Đô Lương) với tổng công suất dự kiến là 26,48MW. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành năng lượng tại Nghệ An nói chung hay năng lượng tái tạo nói riêng.
Hồ Vực Mấu, nơi UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư một trong hai dự án điện mặt trời |
Cùng với đó, Nghệ An là địa phương nhiều tiềm năng địa lý tự nhiên rất lý tưởng cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Bởi theo khảo sát của các chuyên gia, ở Nghệ An với số giờ nắng trung bình mỗi năm khoảng 1.700 – 2.000 giờ, là thuộc nhóm khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73kWh/m2/ngày, nên có tiềm năng lớn về phát triển điện năng lượng mặt trời. Nếu khai thác tốt, năng lượng tái tạo ở Nghệ An đạt trên 17.400 MW; có thể thi công tấm pin áp mái, lắp đặt trên mặt đất, mặt nước (hồ) và điện gió trên vùng biển ven bờ. Với vị trí địa lý và khí hậu Nghệ An có thể khai thác điện mặt trời hiệu quả trong cả năm, đặc biệt là từ tháng 4 cho đến tháng 10.
Hiện, Sở Công Thương Nghệ An đang chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất quy hoạch đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.
Bà Lê Thị Thu Hường – Trưởng phòng Năng lượng, Sở Công Thương Nghệ An cho biết: để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần rà soát lại tổng thể các dự án sản xuất điện đã và đang đầu tư, sắp đưa vào vận hành trên địa bàn. Đầu tư hạ tầng để giải tỏa tối đa công suất các nhà máy thủy điện đã và đang đầu tư; đồng thời kiểm tra tiến độ để đốc thúc các dự án sản xuất điện tái tạo như năng lượng điện gió tại Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), 2 dự án điện năng lượng mặt trời trị giá trên 7.000 tỷ đồng của Công ty CP MK và Tập đoàn Thiên Minh Đức tại xã Ngọc Sơn và Tân Thắng (Quỳnh Lưu) đã được phê duyệt.
Ngoài ra, theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay trên địa bàn có 2 dự án điện mặt trời nối lưới được phê duyệt vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên do chưa có cơ sở để hướng dẫn việc lựa chọn nhà đầu tư nên hiện nay chưa triển khai thực hiện bước tiếp theo.
Vì vậy, tỉnh Nghệ An đã kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương sớm cập nhật bổ sung các dự án đã được phê duyệt vào quy hoạch điện VIII quốc gia làm cơ sở để tỉnh triển khai, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Đồng thời, rà soát từng dự án năng lượng cụ thể đặt trong tổng thể chung để đánh giá thực tiễn khả năng giải tỏa công suất hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật cho từng khu vực.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An quyết tâm cải thiện môi trường tốt nhất để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiêu chí đầu tiên là tạo sự thân thiện, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương; định hướng lựa chọn nhà đầu tư lớn, tầm cỡ trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao...