Nghệ An: Khách quốc tế ưa trải nghiệm “homestay”
Du khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa của dân tộc Thái |
Đoàn du khách nước ngoài từ nhiều quốc gia khi đến bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đã rất thích thú trải nghiệm cảm giác làm “công dân thực thụ” của vùng đất này. Tại đây, du khách được nghe giới thiệu về văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam nói chung, người dân tộc Thái nói riêng. Theo anh Marcos Daniel, du khách Bồ Đào Nha: “Tôi mới đến Việt Nam 10 ngày và được trải nghiệm một phần của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi rất thích thú khi được tham gia gói bánh chưng và các loại bánh khác từ lá dong…”. Còn du khách Thụy Sỹ Jagli Lena chia sẻ: “Tôi đã tham gia rất nhiều trò chơi, nhưng vẫn thích nhất là nhảy sạp. Tôi thấy tình cảm của người dân rất mộc mạc, dễ gần…”. Hầu hết du khách quốc tế khi đến với miền Tây Nghệ An đều chọn tour du lịch “ba cùng” để có thể nghỉ tại nhà dân trong bản làng, tìm hiểu văn hóa cũng như tập quán vùng miền của người bản địa.
Bản Hoa Tiến mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái, nơi đây còn lưu giữ những tập tục, văn hóa đặc trưng, đó là hai làng nghề dệt thổ cẩm, guồng nước đang được giữ gìn và bảo tồn. Nơi đây còn có nhiều món ẩm thực được lưu truyền, nhiều trò chơi dân gian được gìn giữ và phát huy. Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu - chia sẻ: “Ở đây có nhiều đoàn khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Họ đến đây nghiên cứu văn hóa, thưởng thức các món ẩm thực... Chúng tôi đang xây dựng tour du lịch cộng đồng sinh thái nhằm tiếp tục thu hút khách du lịch trong thời gian tới…”.
Ngoài lưu trú qua đêm, đồng bào dân tộc Thái ở bản Hoa Tiến còn bảo đảm cho du khách thưởng thức nét đặc sắc, phong phú của ẩm thực dân tộc, trải nghiệm gói bánh chưng, dệt thổ cẩm, uống rượu cần và tham gia các tiết mục văn nghệ như nhảy sạp, ném còn, khắc luống, hát nhuôn… Nắm bắt nhu cầu của du khách và phát huy tiềm năng, thế mạnh khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa đa sắc màu các dân tộc, huyện Quỳ Châu tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, hướng về bản làng và người dân, cộng đồng dân cư.
Để tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, Nghệ An đang tăng cường liên kết vùng, thông qua các tuyến du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với người dân và chính quyền địa phương ở từng bản làng, cụm dân cư, từng xã để đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, theo mô hình “liên kết 1-1”. Theo đó, mỗi địa phương làm du lịch cộng đồng sẽ đồng hành với một doanh nghiệp cùng chịu trách nhiệm kêu gọi và thu hút du khách, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa, cùng quản lý hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp.