Nghệ An chủ động phòng chống dịch bệnh cúm A (H7N9)
Khử trùng chuồng trại khi tiêu hủy vịt ở Diễn Châu |
4 giải pháp được Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An triển khai trong đợt này đó là: Giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu Nậm Cắn, sân bay Vinh, cảng Cửa Lò tất cả các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Nghệ An; kịp thời phát hiện những hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định; tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành như thú y, biên phòng, hải quan ở cửa khẩu để kiểm soát các bệnh trên gia cầm, các sản phẩm của gia cầm vận chuyển qua biên giới.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chi cục Thú y đẩy mạnh biện pháp truyền thông cho hành khách xuất nhập cảnh các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm để người dân hiểu và tự phòng tránh cho bản thân. Ngành y tế cũng khuyến cáo hành khách phải tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với gia cầm. Cuối cùng là thường xuyên cập nhật thông tin dịch trên phương tiện thông tin đại chúng, trên thông báo của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới… để có báo cáo kịp thời và triển khai các biện pháp chống dịch.
Hiện nay đội ngũ làm công tác kiểm dịch hệ thống biên giới của Trung tâm Y tế dự phòng đã được tăng cường tại các cửa khẩu biên giới. Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch để trình Sở Y tế đưa vào kế hoạch chung của tỉnh Nghệ An. Chuẩn bị hóa chất, vật tư cho công tác phòng chống dịch như hóa chất xử lý môi trường, cơ số thuốc sẵn sàng cho chống dịch cũng như kiểm tra lại hệ thống trang thiết bị ở các khu vực cửa khẩu, sân bay, bến cảng. Phối hợp với trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe xây dựng các tờ rơi, áp phíc về tình hình dịch bệnh để người dân phòng chống.
Theo ngành y tế Nghệ An, hiện nay dịch chưa vào nhưng ngành đã chủ động lên kế hoạch sẵn sàng, tùy theo cấp độ dịch để tiến hành các bước ứng phó tiếp theo. Nếu cấp độ dịch đã có bệnh nhân hoặc có nguy cơ vào Việt Nam thì hệ thống điều trị bệnh nhân khối bệnh viện sẽ được tăng cường để tiếp nhận bệnh nhân. Tiếp theo, ngành y tế cũng tham mưu với tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp liên ngành như Sở Công Thương về phân phối, buôn bán hàng ngoại nhập; Sở Nông nghiệp về lĩnh vực thú y, gia cầm; Sở Y tế về dịch bệnh ở người, phòng chống các ca mắc xảy ra... Tuyên truyền sớm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là ngăn ngừa, sau đó là phòng chống cho người dân. Trong biện pháp ngăn ngừa, ngành y tế cũng lưu tâm nhất là sản phẩm gia cầm nghi ngờ không rõ nguồn gốc, đưa từ vùng dịch về, nghi ngờ từ vùng dịch về thì tuyệt đối không giết mổ, không tiếp xúc.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An khuyến cáo: “Dịch cúm H7N9 chủ yếu lây qua từ sản phẩm gia cầm sống nên người dân cần tránh tiếp xúc với sản phẩm gia cầm sống. Những người chế biến thực phẩm gia cầm sống nên có trang bị bảo hộ, đi găng tay, đeo khẩu trang. Đối với những sản phẩm nghi ngờ không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh thì không nên giết mổ hoặc sử dụng làm thức ăn mà mang đi tiêu hủy. Sau khi tiếp xúc với thực phẩm gia cầm, người dân cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để ngăn ngừa lây nhiễm. Ngành Y tế Nghệ An cũng tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là các huyện miền núi thực hiện biện pháp ăn chín uống sôi. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên đi du lịch vào vùng có dịch, nếu có việc ở đó về thì phải theo dõi sức khỏe sát sao, kịp thời điều trị khi có các triệu chứng của người mắc bệnh cúm AH7N9”. |