Nghệ An: Bất động sản hạ nhiệt sau cơn "sốt ảo"
Đua nhau bán cắt lỗ
Sau khi có nhiều chấn chỉnh từ phía chính quyền, tình trạng sốt đất ở nhiều địa phương ở Nghệ An có dấu hiệu hạ nhiệt. Thời điểm đầu năm 2021, cơn sốt đất nền lên đến đỉnh điểm, rất nhiều người rơi vào vòng xoáy, tìm mọi cách huy động vốn từ người thân, vay ngân hàng… cơn sốt đất nền diễn ra không chỉ ở vùng thành phố, mà còn lan đến các vùng ven đô. Những ngày này, chạy xe dọc qua địa bàn các xã ngoại thành của TP. Vinh như Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Lộc, Hưng Đông… người đi đường không còn bắt gặp trên thân cây, bờ tường rào, cột điện ven đường dán chi chít bảng quảng cáo bán đất nền, đủ loại giá như trước đây.
Cơn sốt đất nền đầu năm 2021 ở Nghệ An diễn ra không chỉ ở khu vực thành thị mà còn lan đến các vùng ven đô |
Theo lời ‘cò đất’ tên Linh, thời điểm trước Tết Nguyên đán, những nền đất tại các xã như Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Lộc, Hưng Đông… của TP. Vinh được bán ra với giá từ 7-8 triệu đồng/m2 và thời điểm sau Tết từ tháng 2 - 4/2021 được bán trao tay với giá gần gấp đôi, giao động từ 12-15 triệu đồng/m2. Có nhiều lô đất ở các xã như Nghi Thái, Nghi Phong giáp ranh với khu vực TP. Vinh có những thời điểm bán trao tay có mảnh đã kiếm được từ vài ba trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Tình trạng bán cắt lỗ ở Nghệ An diễn ra chủ yếu tại phân khúc đất nền, trong đó có nhiều chủ đất rao bán giá khá thấp so với giá trên thị trường. Chị Phương Thảo - một môi giới chuyên nghiệp tại TP. Vinh chia sẻ, từ cuối tháng 3 thị trường đất nền tại các xã gần TP. Vinh đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả tháng nay chỉ vài ba người hỏi nhưng hầu hết giao dịch không thành công. Có những khu đô thị ngay trong thành phố, chủ đất chào bán cả 2 năm nay vẫn không có người mua dù đã hạ giá xuống thấp hơn giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.
Trong cơn ‘sốt đất’ vừa qua, chị Nguyễn Thị Hương - ở TP. Vinh chia sẻ, sau khi nghe bạn "chốt" chung được lô đất tại khu đô thị ngay gần trung tâm thành phố vào đầu năm 2021, nhưng sau đó có việc cần sử dụng nguồn tiền này chị buộc phải bán cắt lỗ lô đất mới mua. "Thời điểm mua vào lô đất 120m2 có giá 16 triệu đồng/m2, nhưng khi bán ra, tôi đã đăng tin khắp nơi, rồi nhờ bạn bè đăng khắp các MXH với giá mua vào nhưng không có khách mua. Đến nay khi chấp nhận bán cắt lỗ với giá 13 - 14 triệu đồng/m2 mà vẫn chưa bán được", chị Hương chia sẻ.
Tại dự án đất nền của xã Nhân Thành, huyện Yên Thành tổ chức đấu giá 32 lô đất vào tháng 3/2021, giá khởi điểm 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng. Qua đấu giá đất được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng và được chốt với trên 200 hồ sơ của các nhà đầu tư khắp nơi. Cũng theo đại diện xã này, hạn nộp tiền trúng đấu giá đất là ngày 26/4, thế nhưng đến thời điểm cuối tháng 6 mới chỉ có 18/32 nhà đầu tư đến giao dịch.
Còn tại dự án khu đô thị LK. ART thuộc phường Đông Vĩnh (TP. Vinh), anh Hùng - nhân viên môi giới cho hay, thời điểm gần đây giao dịch giảm rõ rệt. Cụ thể, nếu trước đây giá đất một số khu phân lô trong khu đô thị từ 16-17 triệu đồng/m2, nay chỉ còn khoảng 12-13 triệu đồng/m2. Nhiều khách ký gửi bán nền dưới giá mặt bằng chung của khu vực nhưng chào mãi cũng không ai mua.
Khảo sát của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt cả vài tháng trở lại đây. Giá đất tại 5 xã ven TP. Vinh gồm: Nghi Đức, Nghi Ân, Hưng Lộc, Hưng Đông, Nghi Thái, Nghi Phong đều có xu hướng giảm mạnh sau khi tăng từ 100 - 200% trong quý 1.
Công khai quy hoạch, tránh đầu cơ trục lợi
Để ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành chuyên môn về đất đai, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư… công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Theo các chuyên gia BĐS dự báo, thị trường đất nền thời gian tới sẽ tiếp tục cắt lỗ, giảm giá bán |
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu người đứng đầu các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai; chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để phát sinh tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, giao, cho thuê, đấu thầu đất trái quy định, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nông nghiệp...
Thực hiện các yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn, sau khi thành lập phải cung cấp thông tin của sàn đến Sở để đăng tải công khai các thông tin của sàn trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
Cùng với đó, yêu cầu các sàn giao dịch trung thực hồ sơ, thông tin về dự án cho khách hàng; kiểm tra hồ sơ pháp lý của dự án trước khi đưa vào kinh doanh tại sàn, nếu đủ điều kiện giao dịch mới được giới thiệu cho khách hàng, chịu trách nhiệm trước khách hàng và pháp luật về thông tin đã cung cấp; các hoạt động của sàn giao dịch BĐS phải được thực hiện thông qua hợp đồng… cùng với đó là quảng cáo, rao bán sản phẩm đúng với thiết kế, quy hoạch, các hồ sơ pháp lý khác của dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm trong kinh doanh BĐS sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, bị xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép hành nghề và có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xử lý.
Sau khi các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An vào cuộc, đã có những giải pháp chấn chỉnh, chủ yếu là công khai các quy hoạch, dự án cũng như cảnh báo tình trạng “sốt đất ảo” đến với người dân. Đồng thời kiểm soát nghiêm, chặt chẽ tại các giao dịch BĐS… Nhờ đó, tình trạng 'sốt đất' ở các địa phương trong tỉnh đã giảm đáng kể.
Đại diện Sở Xây dựng Nghệ An, ông Nguyễn Thế Phiệt - Trưởng phòng quản lý Nhà và thị trường BĐS - cho rằng, việc tăng giá đất nền vào những tháng đầu năm 2021 là xu thế chung của cả nước. Việc người dân đấu giá đất nền lên gấp nhiều lần giá khởi điểm thì có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tạo ra cơn sốt “ảo” của thị trường BĐS vào thời điểm đó.
Ông Phiệt cũng khẳng định, những năm gần đây, ở khu vực đô thị do có sự đầu tư bài bản về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật tốt nên giá đất bán chuyển nhượng tăng là theo quy luật. Việc mua - bán - chuyển nhượng - đầu tư vào các lô đất nền, người dân cũng cần tìm hiểu kỹ về thủ tục pháp lý, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Các chuyên gia BĐS khuyến cáo, thời điểm này giá BĐS nhiều nơi đang 'sốt ảo', không đúng với giá trị thực, nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường, giảm thiểu những rủi ro. Nếu kéo dài tình trạng này, có thể kéo theo một số hệ lụy như gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, gây mất an ninh trật tự, tạo cơ hội cho tín dụng đen hoành hành… |