Ngày Môi trường thế giới 5/6: Thế giới tiếp tục đối mặt với rác thải nhựa
Nhức nhối rác thải nhựa
Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hàng năm, thế giới ước tính có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10% được tái chế.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hồ, sông và biển. Trong đó, microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Điều này không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, sự sinh tồn của các loài sinh vật biển và sức khỏe của mỗi người.
Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia phải đối mặt |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra con số đáng lo ngại, năm 2019, thế giới sản xuất tổng cộng 460 triệu tấn nhựa và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu cộng đồng quốc tế không hành động.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ghi nhận khoảng 2,9 triệu tấn; trong đó 1,6 triệu tấn ở đô thị và 1,3 triệu tấn ở nông thôn, nhưng tổng lượng rác thải nhựa được thu gom chỉ đạt 2,4 triệu tấn.
Báo cáo cũng lưu ý, trong số 2,4 triệu tấn chất thải nhựa được thu gom, chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường khoảng 0,42 triệu tấn, thất thoát ra môi trường nước khoảng 0,07 triệu tấn.
Các chuyên gia môi trường nhận định, ô nhiễm từ rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa tại đại dương trở nên nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu, nếu không kịp thời ngăn chặn, nhân loại sẽ chịu nhiều tác động và gánh hậu quả khó lường trong tương lai.
Cùng hành động để bảo vệ môi trường
Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì Môi trường, Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh - nhấn mạnh: Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển như: Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật và Đề án quan trọng khác.
Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người; chính sách, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Sáu giải pháp cấp bách
Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước, tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt trong nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Trước thực tế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tập trung 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là:
Thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế; khắc phục, loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái…
Ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế, tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; thúc đẩy hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác…
Tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển…
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển...
Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. |